Quảng Trị: Đẩy lùi “tín dụng đen”

Khánh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù đã được kiềm chế với sự vào cuộc của các đơn vị, các cấp chính quyền, song vấn nạn “tín dụng đen” vẫn dai dẳng, âm ỉ tồn tại trong cộng đồng.

Từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ nhằm đẩy lùi tình trạng này.

Trong đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác theo chức năng, nhiệm của từng đơn vị như tăng cường các hoạt động tuyền truyền, thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay chính thống và tin cậy.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật của công ty tài chính, cơ sở kinh doanh nhất là cơ sở kinh doanh có điều kiện có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Từ đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động liên quan “tín dụng đen.

Những tờ rơi hoạt động cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật vẫn được dán khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Những tờ rơi hoạt động cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật vẫn được dán khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, lực lượng Công an đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng  ngừa đấu tranh có hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động cho vay lãi nặng, cầm cố tài sản, các đường dây hoạt động tín dụng trái phép trên địa bàn.

Lực lượng Công an toàn tỉnh đã tiến hành rà soát, quản lý các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn, Qua rà soát đã lập hồ sơ quản lý 71 cơ sở cầm đồ, 15 công ty, cơ sở tài chính, 146 cá nhân có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Từ đó, kịp thời phát hiện tội phạm, đánh giá, phân tích, tổng hợp tình hình liên quan đến các đối tượng, các dạng hoạt động tín dụng đen núp bóng công ty, tổ chức.

Đồng thời, Công an Quảng Trị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở 8 cầm đồ, công ty tài chính nghi vấn núp bóng để hoạt động tín dụng đen; kiểm tra khoảng gần 42 lượt các cơ sở kinh doanh cầm đồ. Qua kiểm tra đã phát hiện 1 cơ sở vi phạm, phạt tiền 7,5 triệu đồng.

Tính từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023, lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận, phát hiện xử lý 11 vụ/ 19 đối tượng hoạt động phạm tội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Kết quả, khởi tố 4 vụ/6 bị can. Trong đó, có 3 vụ/ 4 đối tượng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 1 vụ/ 2 đối tượng về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 7 vụ/ 13 đối tượng về các hành vi không đăng ký ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự, phát tán tờ rơi quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tiền trái quy định của pháp với tổng số tiền xử phạt hơn 103 triệu đồng.

Vẫn âm ỉ

Có thể thấy trong những năm qua tình hình các nhóm đối tượng từ tỉnh khác đến địa bàn tỉnh Quảng Trị để hoạt động “tín dụng đen” đã được kiềm chế, các đối tượng không dám mở rộng địa bàn ở trong tỉnh. Trong năm 2019, 2020, 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 9 nhóm đối tượng từ tỉnh khác đến hoạt động tín dụng đen và hiện nay còn 4 nhóm với 16 đối tượng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Trị, thời gian tới nhu cầu đầu tư kinh doanh, vay vốn của các doanh nghiệp và người dân sẽ tăng cao. Đây là điều kiện để các đối tượng cho vay dạng “tín dụng đen” lợi dụng hoạt động phức tạp.

"Tín dụng đen" vẫn âm ỉ có đất sống.
"Tín dụng đen" vẫn âm ỉ có đất sống.

Bên cạnh những các hình thức truyền thống (cho vay trả góp, hụi…) thì xu hướng đối tượng lợi dụng công nghệ cao, mạng xã hội để hoạt động, triệt để lợi dụng những vướng mắc, sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật để hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê với các thủ đoạn, hình thức biến tướng.

Tình trạng “tín dụng đen” vẫn âm ỉ trên địa bàn với chủ yếu là các đối tượng cho vay các khoản nhỏ, tập trung vào những người kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ và những khoản này dễ thu hồi vốn, mang lại lợi nhuận cao.

 

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền video của một số cá nhân được cho là chủ nợ có mặt tại căn nhà của ông L.A.T (cán bộ Cục Hải quan Quảng Trị) tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để đòi nợ. Số cá nhân này liên tục gọi tên và chức vụ của vị cán bộ này trong video vì cho rằng gia đình ông chây ì việc trả số tiền đã vay mượn. Qua trao đổi với PV, ông L.A.T xác nhận có việc trên, tuy nhiên chỉ là vấn đề cá nhân và gia đình ông đang thực hiện theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, ông L.A.T cho rằng có nhiều vấn đề khác chứ không phải mỗi chuyện đòi nợ.

Điều có thể dễ dàng nhận biết là các tờ rơi quảng cáo với nội dung “Cho vay trả góp”, “Cho mượn tiền góp”... kèm theo các số điện thoại được dán nhan nhản ở các cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn. Thậm chí, các đối tượng còn kèm theo dòng chữ trên tờ rơi “giới thiệu có hoa hồng”.

Trong đó, phổ biến như: cho vay không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy  thân... các đối tượng không lập hợp đồng cho vay, chỉ thỏa thuận miệng hoặc lập hợp đồng không ghi lãi suất.

Khi người vay  không đủ khả năng chi trả theo thỏa thuận thì các đối tượng sẽ thực hiện các hành  vi để uy hiếp tinh thần người vay như: nhắn tin, gọi điện đe dọa, đến nơi làm việc, nơi ở gây áp lực… để buộc người vay phải trả tiền. 

Ngoài ra, hình thức cho vay qua mạng, app (phần mềm) trên điện thoại di động với các doanh nghiệp có chức năng trung gian thanh toán, sử dụng sim không chính chủ, tài khoản ảo để giải ngân, thu lãi, nhắc nợ, đòi nợ hết sức tinh vi với nhiều bộ phận, nhiều công đoạn.

Tình trạng các đối tượng sử dụng sim không chính chủ, tài khoản mạng xã hội để đe dọa, khủng bố, xúc phạm người đi vay và người thân sẽ còn phức tạp, chưa thể giải quyết dứt điểm.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương, các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng Công an đẩy mạnh đấu tranh, xử lý các đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.