Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc gia "có cửa" cạnh tranh với Trung Quốc trong đường đua đất hiếm

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và các đồng minh, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về kim loại đất hiếm và nam châm vĩnh cửu, đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng một chuỗi cung ứng riêng vào năm 2027.

Một doanh nghiệp khai thác lớn của Brazil có tham vọng xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm, trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây nỗ lực đảm bảo nguồn kim loại cần thiết cho nam châm vĩnh cửu sử dụng trong năng lượng xanh và quốc phòng, đồng thời nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng vật liệu này.

Một công nhân của Lynas Corp đi qua khu tập kết đất hiếm cô đặc đang chờ chuyển sang Malaysia, tại Mount Weld, phía đông bắc Perth, Australia. Ảnh: Reuters
Một công nhân của Lynas Corp đi qua khu tập kết đất hiếm cô đặc đang chờ chuyển sang Malaysia, tại Mount Weld, phía đông bắc Perth, Australia. Ảnh: Reuters

Lợi thế của Brazil là chi phí lao động thấp, năng lượng sạch, các quy định đã được thiết lập và sự gần gũi với các thị trường cuối. 

Tuy nhiên, giá đất hiếm thấp, khó khăn về kỹ thuật và các khoản nợ đã đặt ra thách thức cho hy vọng của quốc gia Mỹ Latinh này trong nỗ lực chạy đua vào top 5 nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới.

Tốc độ kết hợp các dự án đất hiếm của Brazil sẽ là phép thử xem phương Tây có thể thành công đến mức nào trong việc xây dựng một ngành công nghiệp tiên tiến mới nhằm phá vỡ sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Brazil nắm giữ trữ lượng đất hiếm lớn thứ ba thế giới. Mỏ đất hiếm đầu tiên của nước này, Serra Verde, đã bắt đầu sản xuất thương mại trong năm nay.

Các nhà phân tích, CEO và nhà đầu tư khai thác mỏ khẳng định sản lượng sẽ tăng, với các ưu đãi của chính phủ phương Tây nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp tinh chế và chế biến đất hiếm toàn cầu.

Chuyên gia Daniel Morgan của ngân hàng đầu tư Barrenjoey ở Sydney cho biết: “Brazil với nguồn cung cấp đất hiếm tiềm năng là một đề xuất rất thú vị với một số thành tựu khai khoáng trong vài năm qua”.

“Tôi thực sự cho rằng, ngoài Trung Quốc, các dự án của Brazil là những dự án có tiềm năng kinh tế cao nhất hiện có.”

Mỹ và các đồng minh, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về kim loại đất hiếm và nam châm vĩnh cửu, đã bắt đầu xây dựng một chuỗi cung ứng riêng vào năm 2027 sau khi gặp phải những gián đoạn trong quá trình giao thương do đại dịch Covid-19 vừa qua. 

Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc sản xuất 240.000 tấn đất hiếm vào năm ngoái, gấp hơn 5 lần nhà sản xuất lớn thứ hai là Mỹ. Theo đó xử lý khoảng 90% nguồn cung đất hiếm toàn cầu thành nam châm vĩnh cửu được sử dụng trong mọi thứ, từ tua-bin gió đến xe điện và tên lửa.

Các quốc gia như Australia, Việt Nam và Brazil đang muốn bắt kịp nhưng tiến độ còn chậm. Serra Verde phải mất 15 năm mới được đưa vào sản xuất. CEO của doanh nghiệp cho biết, công ty dự kiến ​​sẽ sản xuất 5.000 tấn sau khi tăng tốc và có thể tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2030.

Thras Moraitis, Giám đốc điều hành của Serra Verde khẳng định công ty này cũng như Brazil có những lợi thế cạnh tranh đáng kể để củng cố sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm có tầm quan trọng toàn cầu trong dài hạn. 

Những điều đó bao gồm địa chất hấp dẫn, khả năng tiếp cận thủy điện, các quy định được thiết lập và lực lượng lao động lành nghề. CEO này cũng cho rằng, đây vẫn là một lĩnh vực non trẻ cần được hỗ trợ liên tục để tự khẳng định mình trong một thị trường có tính cạnh tranh cao. Các công nghệ xử lý chính được kiểm soát bởi một số ít thành phần. 

Reg Spencer, nhà phân tích tại công ty môi giới Canaccord, cho biết Brazil có thể có thêm hai hoặc ba mỏ đất hiếm vào năm 2030, khả năng vượt quá sản lượng hàng năm hiện tại của Australia.

Tuy nhiên, dù có những lợi thế như lao động rẻ, các nhà phát triển tại Brazil vẫn phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật. Không giống như ở Trung Quốc, nhiều công ty phương Tây vẫn đang hoàn thiện các quy trình phức tạp để sản xuất kim loại đất hiếm, một thách thức tốn kém đã khiến các dự án bị đình trệ trong nhiều năm.

Để thúc đẩy sự phát triển, chính phủ Brazil đã triển khai quỹ 1 tỷ reais (194,53 triệu USD) hồi tháng 2 vừa qua để tài trợ cho các dự án khoáng sản chiến lược, bao gồm cả đất hiếm.