Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói với truyền thông Nga rằng ông hi vọng Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có đủ quyết tâm để chống lại sức ép “lớn” từ những người theo đường lối cứng rắn ủng hộ Ukraine.
Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ RIA Novosti hôm 7/3, ông Szijjarto cho biết, nhà lãnh đạo Đức đang bị gây sức ép để gửi thêm vũ khí tới Kiev. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary, Thủ tướng Scholz đang phản ứng trước vụ bê bối tên lửa hành trình Taurus, xảy ra sau khi bản ghi âm cuộc thảo luận của các quan chức quân sự hàng đầu Đức về cách giúp Kiev sử dụng vũ khí mà không ảnh hưởng đến Berlin bị rò rỉ.
Vụ việc diễn ra vào thứ Sáu tuần trước, sau khi các cơ quan tình báo Nga được cho là đã chặn được liên lạc giữa Tư lệnh Không quân Đức Ingo Gerhartz, giám đốc hoạt động và đào tạo của ông là Frank Grafe cùng hai sĩ quan khác.
Các quan chức cấp cao của quân đội Đức (Bundeswehr) dường như đang phác thảo nội dung để Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius trình lên Thủ tướng Scholz về lý do tại sao Đức nên cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, giống như Vương quốc Anh và Pháp đã làm. Thủ tướng Scholz hoài nghi về đề xuất này và cho biết sẽ không cho phép quân đội Đức tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Cuộc tranh luận bị rò rỉ tập trung vào cách Bundeswehr có thể che giấu vai trò của mình bằng cách sử dụng các lực lượng ủy nhiệm khác nhau.
“Tôi tin rằng những gì Thủ tướng Đức nói quan trọng hơn những gì một số quan chức quân sự nói” - Ngoại trưởng Szijjarto cho hay về sự rạn nứt rõ ràng trong giới lãnh đạo Đức.
Ông Szijjarto nhấn mạnh thêm: “Thủ tướng Scholz đã hành động rất có trách nhiệm trong trường hợp này, khi tuyên bố rõ ràng rằng Đức sẽ không cung cấp bất kỳ tên lửa Taurus nào cho Ukraine. Tôi cho rằng quan điểm này là hợp lý.”
Chính phủ Hungary nhiều lần lên tiếng chỉ trích phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Budapest cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Kiev với hy vọng rằng nước này sẽ đánh bại Moscow là không thực tế và cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế trừng phạt mà Mỹ cùng các đồng minh sử dụng đối với Nga đã phản tác dụng.
Vụ rò rỉ thông tin quân sự của Bundeswehr xảy ra vài ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất một số thành viên NATO có thể triển khai quân đội của mình tới Ukraine. Đề xuất này phần lớn bị các quốc gia thành viên khác cũng như giới lãnh đạo của khối quân sự do Mỹ đứng đầu, bao gồm cả Hungary, bác bỏ.
Trong cuộc phỏng vấn trên, Ngoại trưởng Szijjarto gọi lời đề xuất của Tổng thống Pháp chỉ mang tính động viên đối với Kiev, vì một cuộc triển khai như vậy sẽ đưa thế giới đến gần hơn với Thế chiến thứ III.
Bộ Quốc phòng Đức hôm 2/3 xác nhận một đoạn hội thoại của không quân bị nghe lén, sau khi xuất hiện ghi âm các chỉ huy nước này bàn tình hình Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius Pistorius cho biết, các quan chức cấp cao của Bundeswehr có thảo luận về những kịch bản sử dụng tên lửa Taurus. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc thảo luận trên không có nghĩa là Berlin sẽ "bật đèn xanh” cho việc chuyển giao loại vũ khí này cho Ukraine.
Chính phủ Đức cũng hạ thấp mức độ ảnh hưởng của vụ rò rỉ, tuyên bố rằng Nga đang tham gia vào “cuộc chiến tranh hỗn hợp thông tin sai lệch” chống lại Ukraine và những nước ủng hộ Ukraine.
Về phần mình, Moscow tuyên bố rằng thông tin bị rò rỉ của giới chức quân sự Đức là bằng chứng cho thấy Berlin đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Nga.
Trước đó, hôm 1/3, Tổng biên tập đài RT của Nga Margarita Simonyan đã đăng bản ghi lại cuộc điện thoại dài 38 phút ngày 19/2 trên trang VK của mình, xác định những người tham gia là quan chức đứng đầu Lực lượng không quân Đức (Luftwaffe) gồm Tướng Ingo Gerhartz - phó tham mưu trưởng chi nhánh phụ trách tác chiến, Chuẩn tướng Frank Graefe, và hai người khác.
Theo lời kể của bà Simonyan về cuộc trò chuyện, các quan chức quốc phòng Đức đã thảo luận về cách thức thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea, nhưng phủ nhận Thủ tướng Đức Olaf Scholz biết về kế hoạch này.