Quốc hội giám sát tối cao về quản lý, sử dụng nguồn lực chống dịch Covid-19

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 23/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở...

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đây là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, cuộc giám sát sẽ đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Trong mỗi nội dung nêu trên, đoàn sẽ làm rõ tình hình, thực trạng và thực hiện chính sách, pháp luật; kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập; nguyên nhân (chủ quan, khách quan); bài học kinh nghiệm, đặc biệt là mối quan hệ và bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng với công tác phòng chống dịch.

Đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi của chính sách, pháp luật; làm rõ ưu, nhược điểm của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung, lĩnh vực giám sát.

Cùng với đó là xác định trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng giám sát liên quan đến từng nội dung giám sát, để từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về các nội dung giám sát.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Về phạm vi, đoàn sẽ giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên cả nước, trong thời gian đầu năm 2020 đến hết ngày 31/12/2022.

Nội dung giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cả về vật lực, tài lực và nhân lực.

Bên cạnh đó là việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở và việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng, từ ban hành văn bản, triển khai thực hiện đến kết quả thực hiện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường,  Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 vấn đề. Trong đó, về phạm vi giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung giám sát tình hình, đánh giá kết quả, hiệu quả, tồn tại, hạn chế, khó khăn trong huy động, quản lý, sử dụng tài lực, vật lực, nhân lực.

Một trong những nội dung nữa trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 Bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố. Bộ, ngành (14 đơn vị) gồm: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Địa phương (12 tỉnh, thành phố) gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Huế (hoặc Đà Nẵng), Kon Tum, Phú Yên, An Giang (hoặc Đồng Tháp), Cần Thơ, Tây Ninh (hoặc Bà rịa - Vũng tàu).

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường, trong quá trình giám sát, tùy theo tình hình thực tế và các điều kiện cho phép, Đoàn giám sát có thể điều chỉnh Kế hoạch giám sát và các đề cương giám sát. Ngoài nội dung đã có trong đề cương, khuyến khích các cơ quan, tổ chức cung cấp các thông tin khác cho đoàn giám sát.

Thảo luận tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đây là một chuyên đề đang thời sự, được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm, đồng thời hai lĩnh vực giám sát cũng là vấn đề rất lớn, thời gian không có nhiều vì tháng 5/2023 đã phải trình Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Đoàn giám sát trong bối cảnh tình hình vụ Việt Á đang tác động lớn nên phương pháp, cách thức làm cần cân nhắc thêm, nên lập tổ đi trước, các đồng chí lãnh đạo đến sau để kết luận, "tránh việc chỉ nghe một chiều của báo cáo".

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng có nội dung các cơ quan đã làm kỹ rồi (như kit xét nghiệm), do đó nên chăng tập trung vào vaccine, cơ chế Covax, viện trợ, mua vaccine thế nào, mua có đúng không, phân phối ra làm sao, quản lý sử dụng như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ chủ trương nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vaccine và các thiết bị vật tư trong nước, đánh giá việc này như thế nào?. Chúng ta lo ngại "dịch chồng dịch", bệnh đậu mùa khỉ... nên vấn đề tự lực, tự cường trong phòng, chống dịch rất quan trọng. "Vừa rồi Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ chưa làm kỹ, sâu. Chúng ta tập trung cái này để tránh chồng chéo, trùng lắp, lãng phí nguồn lực"- Chủ tịch Quốc hội nói.

Đối với y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung làm rõ mô hình tổ chức, sắp xếp lại theo Nghị quyết 19. Y tế dự phòng rủi ro nhất là địa phương không bố trí đủ vốn ngân sách cho y tế dự phòng, chấp hành không nghiêm, coi thường, không quan tâm y tế dự phòng.

Về đối tượng giám sát trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, 14 bộ, ngành và 12 địa phương là dự kiến chứ không nên đi hết, phải điều hoà, tránh chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần