Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 25/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi là dự thảo Luật). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 41 (tháng 01/2020). Sau đó, dự thảo Luật tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để gửi xin ý kiến các vị ĐBQH tại các Đoàn ĐBQH.
Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi hòa giải, đối thoại của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc áp dụng đối với cả những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nhưng đương sự không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật đang quy định phạm vi điều chỉnh là đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà đương sự có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án. Trường hợp đương sự không khởi kiện tại Tòa án mà lựa chọn hòa giải, đối thoại thì pháp luật hiện hành đã có nhiều cơ chế hòa giải, đối thoại như: hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động; hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật Đất đai; đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Khiếu nại… Đồng thời, tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) đã có quy định Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, theo đó, các bên có quyền đề nghị Tòa án xem xét, ra quyết định công nhận kết quả mà các bên đã hòa giải thành. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho được giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh để hòa giải thêm một số việc như: yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản, yêu cầu phân chia tài sản chung, yêu cầu công nhận thỏa thuận về nuôi con…
UBTVQH nhận thấy, theo quy định tại Điều 361 của BLTTDS thì các yêu cầu nêu trên được coi là việc dân sự và không có tranh chấp; trong khi đó mục đích ban hành và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm quy định cơ chế hòa giải để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp dân sự. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 9): Nhiều ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự với những lý do như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp. Có ý kiến đề nghị quy định đối tượng chịu chi phí là các vụ việc dân sự có giá ngạch từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; các vụ án hành chính mà pháp nhân, cá nhân có yêu cầu về trách nhiệm dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại trong mọi trường hợp.
UBTVQH nhận thấy, hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội. Do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 03 trường hợp: (1) Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; (2) Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở; (3) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.
Về phạm vi hoạt động của Hòa giải viên (Điều 15): Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên theo hướng Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải tại các Tòa án khác ngoài Tòa án họ đã được bổ nhiệm nhưng phải trong phạm vi cấp tỉnh. Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó Hòa giải viên chỉ được hoạt động giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án nơi họ đã được bổ nhiệm với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của TANDTC. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên, theo đó, ngoài hoạt động tại Tòa án nơi Hòa giải viên được bổ nhiệm, Hòa giải viên có thể hoạt động tại Tòa án khác nhưng phải trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án cấp tỉnh.
 Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên (Điều 18): Nhiều ý kiến cho rằng, trình tự, thủ tục nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại Điều 15 dự thảo Luật trình Quốc hội chưa thể hiện rõ sự tự nguyện lựa chọn của các bên ngay từ đầu. Có ý kiến đề nghị quy định ngay từ đầu các bên có quyền lựa chọn Hòa giải viên. Ý kiến khác đề nghị quy định sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải hỏi các bên trước khi chuyển đơn sang thụ lý theo thủ tục hòa giải để bảo đảm đúng nguyên tắc tự nguyện hòa giải.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh lý Điều 18 theo hướng, ngay khi nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn biết để họ thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoặc giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng quy định tại BLTTDS, Luật TTHC. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung Điều 15 về thủ tục lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên để bảo đảm cho các bên ngay từ đầu có quyền tự do lựa chọn Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ nộp đơn hoặc tại Tòa án khác trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án cấp tỉnh.
Về thủ tục ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 32): Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật theo hướng Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà không cần phải mở phiên họp với trình tự, thủ tục và thành phần như quy định tại Chương XXXIII của BLTTDS. Một số ý kiến cho rằng do tính chất quan trọng của Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nên cần quy định mở phiên họp.
Một số ý kiến đề nghị quy định thủ tục Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là thủ tục bắt buộc sau khi các bên hòa giải thành, đối thoại thành. Có ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành xuống là 05 ngày, 07 ngày hoặc 10 ngày.
UBTVQH nhận thấy, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong dự thảo Luật đã được quy định cụ thể, chặt chẽ, có sự giám sát của Thẩm phán Tòa án nhằm bảo đảm căn cứ pháp lý vững chắc cho việc Thẩm phán ra quyết định công nhận. Do tính chất đặc thù của hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật này thì việc mở phiên họp để xem xét, ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là không cần thiết và sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, làm mất tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, có đủ thời gian và đủ thông tin để Thẩm phán ra quyết định chính xác, dự thảo Luật đã chỉnh lý tại Điều 32 theo hướng: (1) Nâng thời hạn chuẩn bị ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành từ 05 ngày lên thành 15 ngày để Thẩm phán có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu; (2) Trong thời hạn này, bổ sung cho Thẩm phán quyền yêu cầu các bên đương sự trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp các tài liệu làm cơ sở cho việc ra Quyết định công nhận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời Tòa án trong 05 ngày làm việc.
Về việc xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (các điều 36, 37, 38 và 39): Nhiều ý kiến đề nghị giao cho Tòa án cấp trên có thẩm quyền xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nếu Quyết định này vi phạm Điều 25 của dự thảo Luật. Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; trình tự, thủ tục xét lại Quyết định này được thực hiện theo quy định của BLTTDS, Luật TTHC.
UBTVQH xin tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và chỉnh lý dự thảo Luật tại các điều 36, 37, 38 và 39 theo hướng, về người có quyền đề nghị, kiến nghị: quy định đương sự có quyền đề nghị, Viện kiểm có quyền kiến nghị xem xét lại Quyết định; về thẩm quyền giải quyết: giao cho Tòa án cấp trên xem xét lại Quyết định này; về trình tự, thủ tục xem xét lại Quyết định: sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, kiến nghị, Chánh án phải phân công Thẩm phán xem xét giải quyết, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán có quyền xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu và phải ra quyết định giải quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua./.