Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có bố cục gồm 16 Chương, 186 Điều, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu
Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất với sự cần thiết ban hành Luật; cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, nội dung của dự thảo Luật mà Chính phủ trình đã khá đầy đủ với nhiều nội dung đổi mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban soạn thảo. Đại biểu nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vừa qua đã đặt ra yêu cầu về ý thức bảo vệ môi trường. Do vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này cần có những quy định thúc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Cho rằng thời gian qua nước ta đang đối diện với nhiều sự cố môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, thực tế ấy đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, mang tính khẩu hiệu hô hào. Đại biểu nêu rõ, trong dự thảo Luật lần này, có 13 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi với nhiều quy định mới tiến bộ hơn trước. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ, những chính sách mới này để thực hiện đều cần có ngân sách và nhân lực phát sinh. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần làm rõ vấn đề này để Quốc hội có sơ sở xem xét kỹ lưỡng.
Tại phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá cao về các quy định trong dự thảo Luật có liên quan đến bảo vệ môi trường làng nghề, bảo vệ môi trường nông thôn và bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, các đại biểu Quốc hội để nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng để tránh chồng chéo với các Luật có liên quan khác.
Quan tâm tới các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) cho rằng, hiện nay công nghệ sinh học phát triển, các phòng thí nghiệm vi sinh, virut, các nhà khoa học đã và đang tạo ra các chủng mới để phục vụ sản xuất, khám chữa bệnh, phục vụ con người. Tuy nhiên, vấn đề này cũng tạo ra những chuẩn sinh vật nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người. Nếu bị phát tán ra cộng đồng thì hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về cấm phát tán các chủng vi sinh vật ra môi trường. Đồng thời, cấm nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Theo đại biểu, nếu ngăn chặn ngay từ đầu việc này thì các doanh nghiệp không cần tốn nhiều chi phí để xử lý rác thải, giảm chi phí xản xuất, tăng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra và giám sát.
Góp ý về các nội dung liên quan đến đánh giá tác động môi trường, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật lần này đã chuyển từ việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thành phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường (tại Điều 43, 44) nhằm nâng cao trách nhiệm của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; đồng thời trao chủ đầu tự chịu trách nhiệm với việc tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giúp rút ngắn thủ tục và thời gian trong quy trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, việc quy định thẩm quyền của các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành trong quản lý đánh giá tác động môi trường tại khoản 3 điều 42, kiểm tra thực hiện các nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án tại khoản 3 điều 45 lại không thống nhất với các quy định phân công chức năng quản lý nhà nước, thanh tra kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành nêu trên. Do đó, Ban soạn thảo cần rà soát, xem xét lại nội dung này.
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã được tổng hợp đầy đủ. Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp hôm nay, các cơ quan có liên quan sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc thông qua dự thảo Luật sẽ do chất lượng của dự thảo Luật quyết định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận thêm về dự án Luật này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần