Cụ thể, Nghị quyết gồm 2 điều, có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội thông qua. Trong đó, Nghị quyết quy định Thường trực HĐND TP Hà Nội gồm Chủ tịch HĐND, 2 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND TP. Chủ tịch HĐND TP có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND TP là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội. |
Ban của HĐND TP Hà Nội gồm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban của HĐND TP có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND TP là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ban của HĐND TP có 1 ủy viên hoạt động chuyên trách.
Việc thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội được thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt thời gian thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết này; quy định việc thực hiện lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác đối với chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND TP Hà Nội.
HĐND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; cân đối, sắp xếp, bố trí nhân sự bảo đảm không làm tăng tổng biên chế hành chính của địa phương.
Nghị quyết cũng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.