Dù vậy, công tác phát triển làng nghề tại địa phương này hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện có 62/110 làng và tổ dân phố có nghề, trong đó có 17 làng nghề được UBND TP công nhận là làng nghề truyền thống. Những làng nghề truyền thống đang thu hút trên 3.500 hộ tham gia sản xuất với khoảng 11.400 lao động (chiếm khoảng 40% lao động nông thôn). Lực lượng này chủ yếu là lao động nữ và các lao động phụ tận dụng thời gian sản xuất nông nghiệp nhàn rỗi ở địa phương. Thu nhập bình quân của lao động đạt từ 2 – 4,5 triệu đồng/người/tháng (tùy lĩnh vực ngành nghề). Một số làng nghề có doanh thu cao trên 120 tỷ đồng/năm, đang tiếp tục tăng trưởng mạnh và thu hút ngày một đông lao động có thể kể đến như: Tân Hòa, Cộng Hòa, Ngô Sài, Ngọc Than, Phú Mỹ, Yên Quán. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU của Huyện ủy Quốc Oai về phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 – 2015 cũng cho thấy, giá trị ngành TTCN liên tục tăng qua các năm với mức tăng trưởng bình quân khoảng 6,8%/năm.
Dù vậy, nhìn nhận khách quan, bà Vương Thị Thanh Hương – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho rằng, công tác phát triển làng nghề tại địa phương còn rất nhiều khó khăn. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa có cụm TTCN, làng nghề sản xuất hàng hóa tập trung. 2 cụm TTCN Nghĩa Hương quy mô 11,4ha và Tân Hòa quy mô 12,4ha mới được UBND TP quyết định thành lập, song chưa có bất cứ DN nào đăng ký đầu tư kinh doanh hạ tầng. Cũng bởi vậy mà hầu hết các cơ sở sản xuất hiện vẫn nằm trong khu dân cư. Điều này gây ảnh hưởng tới giao thông nông thôn và làm phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng. Đặc biệt là tại các làng nghề chế biến nông sản như Tân Hòa, Cộng Hòa hay sản xuất đồ mộc ở Ngọc Than, Yên Quán, khi máy móc gây tiếng ồn lớn, bụi mùn cưa và nước thải khiến môi trường nước và không khí bị ô nhiễm nặng nề. Bà Hương cũng nhận định, quy mô của hầu hết các làng nghề chỉ là sản xuất nhỏ theo hình thức “tự sản tự tiêu”, công nghệ sản xuất còn rất giản đơn, trình độ tay nghề lao động chưa đồng đều và nhất là hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường. Xác định TTCN, làng nghề vẫn sẽ là nguồn đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Huyện ủy Quốc Oai đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển cho nhóm ngành này giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu là đến năm 2020, bên cạnh tiếp tục duy trì và phát triển 17 làng nghề truyền thống hiện có, sẽ có thêm 1 – 2 làng nghề, 80% số làng có nghề, thu hút và tạo việc làm cho khoảng 40% lao động nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Đạt Thuyên – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quốc Oai cho biết, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tăng cường cũng như nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề. Tranh thủ sự hỗ trợ của TP nhằm đẩy mạnh công tác khuyến công. Đầu tư kinh phí từ ngân sách hướng tới cải tiến sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các làng nghề, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm làng nghề trên thị trường cạnh tranh.
Làng nghề làm miến ở xã Cộng Hòa mang lại thu nhập khá cho một bộ phận lao động địa phương |