Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các huyện

Quy hoạch đi trước

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch và quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Một góc huyện Đông Anh nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Hà.
Một góc huyện Đông Anh nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, hệ thống HTKT gồm các công trình giao thông, cấp nước, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang… của Hà Nội, nhất là tại các huyện vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, dàn trải, kém tính kết nối, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển.

Công trình hạ tầng còn manh mún, dàn trải

Sau khi đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt năm 2011, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thầm quyền hầu hết các quy hoạch trong đó có quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Cùng với đó tại khu vực nông thôn, UBND cấp huyện cũng đã phê duyệt cơ bản phủ kín quy hoạch chung các xã và hàng trăm đồ án quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch hệ thống hạ tầng, nhất là tại các huyện của TP.

TP Hà Nội có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện, trong đó diện tích tự nhiên của các huyện chiếm tỷ trọng khoảng 88% tổng diện tích đất tự nhiên toàn TP (2.297/3.344 km2). Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở QH – KT Hà Nội) Đào Minh Tâm nhận định, quỹ đất rộng là một lợi thế và nguồn lực rất lớn phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch.

Song trên thực tế quỹ đất dành để đầu tư xây dựng các công trình đầu mối HTKT tại các huyện chưa được quản lý chặt chẽ, nhiều nơi bị lấn chiếm gây khó khăn khi thực hiện GPMB, dẫn đến việc phải đề xuất điều chỉnh mục đích sử dụng. Thậm chí, nhiều khu vực ao hồ, mặt nước phục vụ công tác thoát nước còn bị san lấp tùy tiện, các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ, gây mất an toàn cho hoạt động của hệ thống HTKT vẫn diễn ra.
Việc công khai, minh bạch các đồ án, dự án được phê duyệt chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình HTKT.

Tại nhiều huyện khi triển khai các công trình như bãi thu gom rác, nghĩa trang… đều bị người dân phản đối. Công tác cắm mốc giới, quản lý mốc giới ngoài thực địa đối với hệ thống đường giao thông và các tuyến công trình HTKT theo quy định pháp luật cũng chưa được thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ yêu cầu.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống HTKT khung còn manh mún, dàn trải, không đồng bộ, thống nhất và không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và yêu cầu về phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại. Nguồn lực dành cho đầu tư hệ thống HTKT còn thiếu nghiêm trọng, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngân sách.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Lã Hồng Sơn cho hay, trong các đơn vị cấp huyện có ranh giới hành chính bao gồm cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn (đặc biệt là mạng lưới đường trong các khu dân cư làng, xóm) trong quá trình đô thị hóa nhanh, song thường được thể hiện một cách tùy tiện, thiếu tính khoa học và thực tiễn. Quy hoạch mạng lưới giao thông (gồm cả giao thông tĩnh) thường thể hiện rất sơ sài hoặc thậm chí bỏ trống đối với các khu vực làng, xóm dân cư hiện có. Vẫn tồn tại tình trạng nơi cần đường thì thiếu đường, nơi cần tiết kiệm đất xây dựng (các khu vực phát triển mới phía Đông Vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng) thì mật độ đường lại quá cao và hiệu quả sử dụng đất thấp.

Đồng bộ quy hoạch cả đô thị và nông thôn

Theo ông Đào Minh Tâm, đối với các khu vực dân cư hiện có, do đặc điểm sở hữu diện tích đất đai của các hộ gia đình tại làng, xóm đều lớn nên rất thuận lợi cho việc GPMB, bố trí tái định cư khi thu hồi đất để đầu tư hệ thống đường giao thông. Vì vậy, cần khẩn trương lập, thẩm định phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư để quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, tách thửa...

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách cụ thể khuyến khích người dân tự hiến đất để mở rộng các tuyến đường làng, ngõ, xóm; ưu tiên bố trí các quỹ đất thu gom, trung chuyển rác thải trong các khu vực dân cư; quản lý chặt chẽ cao độ nền xây dựng bảo đảm yêu cầu thoát nước và không gây úng ngập cục bộ...

Đối với các khu vực dự trữ phát triển đô thị, hệ thống giao thông theo quy hoạch cần được cắm mốc giới, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai, chống lấn chiếm phần đất dành cho hệ thống giao thông theo quy hoạch. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phải gắn liền với việc quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất có hiệu quả hai bên tuyến đường sau khi đầu tư xây dựng.

Quản lý chặt chẽ hệ thống sông ngòi, ao hồ hiện có, chống lấn chiếm san lấp, xả thải vào hệ thống mặt nước tự nhiên, làm thay đổi địa hình, gây ảnh hưởng xấu đến điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường. Tập trung đầu tư nhiều hơn nữa hệ thống hồ đầu mối, hồ điều hòa kết hợp cảnh quan gắn với phát triển du lịch, tạo lập môi trường sinh thái...

Còn với các huyện thuần nông, quy hoạch và bố trí hợp lý, tiết kiệm đối với quỹ đất dành cho các công trình HTKT đầu mối của huyện và TP tại khu vực (như khu nghĩa trang, khu xử lý rác thải, trạm điện cao áp, Depot...). Quản lý chặt chẽ và không chuyển đổi mục đích các vị trí đất đã được quy hoạch.

Công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB và chuẩn bị quỹ đất cần tách rời và đi trước một bước (3 - 5 năm) để tạo mặt bằng sạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Cần có các chính sách đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ đối với cộng đồng dân cư tại khu vực có công trình đầu mối hạ tầng của địa phương và TP nhằm tạo sự đồng thuận của cộng đồng dân cư khi triển khai dự án.

Cùng đưa ra khuyến nghị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cho rằng, các huyện của Hà Nội nói chung và một số huyện ven đô đang bị tác động mạnh do quá trình đô thị hóa. Do đó, trong quy hoạch xây dựng nông thôn, nhất là nông thôn khu vực ven đô phải có sự đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật theo các giai đoạn giữa xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Trong quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khu vực ven đô, các tiêu chuẩn áp dụng phải hướng tới các tiêu chuẩn xây dựng đô thị, trừ các loại hình điểm dân cư nông thôn mang chức năng đặc biệt. Trong đó các tiêu chuẩn về giao thông phải đi một bước.

Quy hoạch hệ thống hạ tầng sản xuất cần theo hướng đáp ứng mô hình sản xuất công nghệ cao, sinh thái. Lưu ý đến các giải pháp bố trí hệ thống hạ tầng đầu mối cấp vùng (chung đô thị, nông thôn) nhằm hạn chế tối thiểu các tác động đến môi trường, cảnh quan.

 

Tại Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 9/5/2023 triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 2/2/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của T.Ư về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP

Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị. Đồng thời đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu vực nông thôn về giao thông, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch theo quy chuẩn.