Đa số đại biểu (ĐB) khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch tạo sự thống nhất từ T.Ư đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đừng “quy hoạch cho có”
Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết và không thể chậm trễ. Tuy vậy, các quy định liên quan đến việc lập quy hoạch phải thể hiện rõ ràng: Quy hoạch không chỉ dừng lại ở việc chỉ sử dụng đất đai, tài nguyên mà phải tính toán sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, tài nguyên khác, các yếu tố văn hóa truyền thống, đặc điểm dân cư. Đồng thời khắc phục tình trạng quy hoạch cho có, có quy hoạch nhưng không dùng được, làm trái quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch hoặc "tân quan tân quy hoạch".
Bên cạnh đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị bổ sung hành vi bị cấm “điều chỉnh quy hoạch trái với quy định của pháp luật”, căn cứ lập quy hoạch – yêu cầu không thể thiếu trong lập quy hoạch, bổ sung quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. “Công tác quy hoạch cần dành nhiều hơn khu đất đẹp, con đường đẹp, hàng cây, công viên, trường học cho cộng đồng, chứ không phải những khu siêu thị chật kín người” – ĐB kiến nghị.
Liên quan đến nội dung này, ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, thời kỳ quy hoạch cần dài hơn so với dự thảo, quy hoạch tối thiểu chung cho các loại quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn 30 năm, quy hoạch ngành, vùng phải có tầm nhìn từ 50 năm; quy hoạch quốc gia phải có tầm nhìn từ 50 - 70 năm. Quy hoạch dài như vậy mới đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế, trong đầu tư phát triển mà không bị động, không sợ thay đổi. Quy định dài như vậy cũng sẽ tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo, đánh giá dài hạn, đòi hỏi phải có sự đầu tư công phu trong công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá. Bởi thực tế cũng cho thấy việc triển khai quy hoạch rất chậm, có những quy hoạch trong một thời kỳ nhưng đến khi phê duyệt xong đã đi được 1/3 thời kỳ, chưa kể phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại, mất rất nhiều thời gian, gây lãng phí lớn.
Đảm bảo tính thống nhất
Một nội dung cũng được các ĐB tập trung cho ý kiến về nguyên tắc, trình tự, tổ chức trong quy hoạch. Hiện, nội dung của dự án Luật nghiêng nhiều về quản lý quy hoạch, vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ về nguyên tắc, trình tự, tổ chức và thẩm định, phê duyệt quy hoạch. ĐB Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến: Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các nguyên tắc để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, khả thi của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi, phá vỡ quy hoạch như thời gian qua. Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng và các địa phương.
ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), cho rằng, quy hoạch cấp dưới cần phù hợp với quy hoạch cấp trên, như vậy dữ liệu quy hoạch tổng thể quốc gia phải có trước, làm cơ sở cho cấp dưới đối chiếu.
Chỉ ra điểm bất hợp lý trong dự luật liên quan đến nội dung này, ĐB Phạm Trọng Nhân phân tích: Dự thảo ghi: “Trường hợp quy hoạch cấp dưới được lập trước quy hoạch cấp trên thì quy hoạch cấp trên phải kế thừa những nội dung phù hợp của quy hoạch cấp dưới. Sau khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới phải được rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp trên”. Quy định như vậy lòng vòng, mâu thuẫn và thực sự không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào vì cả quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành quốc gia đều phải chờ Chính phủ hướng dẫn.
* Cùng ngày, Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh vệ.