Quy hoạch thoát nước cho Thủ đô Hà Nội: Cân bằng bền vững giữa đất và nước

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi trận mưa lớn, nhiều đoạn trên Đại lộ Thăng Long và nhiều khu đô thị phía Tây Nam Hà Nội lại ngập sâu. Thực tế nơi này vốn là vùng đất trũng, mưa là ngập cả ngàn năm nay nhưng giờ đây, khi các khu đô thị đông dân cư xuất hiện ngày một nhiều, tình trạng úng ngập càng được quan tâm hơn.

Trích bản đồ địa hình thủy hệ khu vực Hà Nội 1905; Quy hoạch xây dựng các trục đường từ trung tâm Hà Nội về phía Tây tạo thành những con đê ngăn nước.
Ngập do lấp đất vào vùng thoát nước
Cách đây hơn 120 năm, để chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thuộc địa, các kỹ sư địa lý – thủy lợi của Pháp đã khảo sát, tập hợp tư liệu từ năm 1886 - 1926. Năm 1905, Nha Địa dư Đông Dương hoàn tất Bản đồ địa hình, thủy hệ làm cơ sở để Nha Công chính thiết kế, thi công hệ thống đê điều. Năm 1926, lũ lớn đe dọa nội thành Hà Nội, trong cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc kỳ” của nhà địa lý nhân sinh Piere Gourou cho biết: Vỡ đê quanh TP đã tràn ra 40 tỷ mét khối nước. Để bảo vệ an toàn, hơn 250 triệu mét khối đê được đắp trong giai đoạn 1924 - 1941, đặc biệt đập Đáy được xây dựng để điều tiết nước sông Hồng vào lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ, dựa trên địa hình tự nhiên được thể hiện trên bản đồ năm 1905.

Trong 30 năm (1954 - 1984), cả vùng Bắc Bộ củng cố và đắp đê thêm 10 triệu mét khối và hành lang thoát lũ được duy trì, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ luôn được chỉnh trang, đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất hàng năm hai vụ lúa, một vụ mầu kết hợp chăn nuôi gia cầm, thả tôm cá... Sau khi hồ thủy điện Hòa Bình tích nước, vai trò điều tiết lũ suy giảm thì vai trò trữ nước, chống hạn cho lưu vực này được tăng cường.

Giai đoạn 2000 - 2005, tuyến đường bộ nối trung tâm Hà Nội với Hòa Lạc hình thành để kết nối với đường 21 (Đại lộ Thăng Long). Con đường xuyên qua vùng ruộng trũng đã trở thành đập tràn cho nước đi qua mỗi khi mưa lớn chảy từ Bắc xuống Nam theo địa hình tự nhiên.

Trong 3 năm trước khi sáp nhập vào Hà Nội (2005 - 2008), tỉnh Hà Tây giao đất xây dựng bám theo hai bên Đại lộ Thăng Long dày đặc, ruộng trũng được san lấp nên đường trở thành sông mỗi khi mưa lớn. Hàng ngàn hecta đất trong hành lang thoát lũ được giao cho các tập đoàn kinh doanh bất động sản lập dự án. Riêng trong hành lang thoát lũ hạ lưu sông Tích sông Đáy đã gần 15.000ha... đã từng bước phá hủy không gian thoát nước và trữ nước của Hà Nội - Hà Tây. Cuối năm 2008, trận mưa lịch sử gây úng ngập nặng nội thành Hà Nội, sau hơn một tháng bơm nước ra sông Hồng nội thành khô ráo nhưng các huyện Tây Nam Hà Nội ngập sâu, đoạn đường Thăng Long đi qua hành lang thoát lũ nước vẫn ngập nặng.

Từ sau 2008, Đại lộ Thăng Long mở rộng, thành con đê khổng lồ cắt ngang hành lang thoát nước. Các khu đô thị mở rộng tới đâu, không gian thoát nước, trữ nước thu hẹp tới đó kèm theo hủy hoại hệ thống thủy lợi, đất canh tác để hoang hóa tràn lan. Mưa lớn các đường chui dưới Đại lộ Thăng Long ngập sâu, nhiều đoạn trở thành đập tràn. Nền đường ngâm nước yếu dần, tất cả các đoạn đường tiếp giáp cầu sông, cầu cạn trên đại lộ chênh lệch độ lún, làm chất lượng mặt đường xuống cấp.

Quy hoạch tốt mới có đô thị khô ráo

Quy hoạch sông Hồng đã vẽ nhiều nhưng chưa phê duyệt do chưa xây dựng phương án phòng chống lũ. TP Hà Nội đã giao cho Sở NN&PTNT thực hiện nhưng chưa công bố, có thể vì chưa có Quy hoạch bảo vệ môi trường nước và Báo cáo khảo sát tài nguyên nước lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, mặc dù những đề án này đã được Bộ TN&MT giao thực hiện từ 2016 - 2021. Thực tế hành lang thoát lũ, chậm lũ đã được định ra từ năm 1905 và được củng cố, duy trì trong suốt 100 năm. Trong 20 năm trở lại đây khu vực này từng bước suy giảm do quản lý tài nguyên nước yếu kém, lượng nước mưa thực ra là nước sạch nhưng lại gây úng ngập nên tìm cách đẩy đi, còn lại nước thải ô nhiễm ngày nhiều và độc hơn.

Năm 2020, Hà Nội cũng như cả nước chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục, Đồng bằng sông Cửu Long khô hạn nặng, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, nhiều vùng trồng trọt nhiễm mặn. Để khắc phục hạn hán, có sáng kiến dùng bình cao su cát giữ nước sạch, trong khi chỉ 3 năm ( 2005 - 2008) không gian chứa hàng chục tỷ mét khối nước quanh Hà Nội đã được giao để “vẽ” quy hoạch đô thị dịch vụ thương mại. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng và các vấn đề thoát nước nội thành ngày càng trở nên phức tạp hơn khi các công trình đô thị ngầm đã bắt đầu được triển khai.

Hà Nội đang đánh giá xem xét để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, đây là cơ hội lớn để khắc phục các tồn tại mất cân bằng giữa đất và nước đang xảy ra. Những bất cập này không chỉ thấy rõ khi mưa to ngập đường mà nó cần nhận diện đầy đủ để tái lập môi trường đô thị khô ráo, an toàn và nước sạch được lưu giữ, điều tiết hiệu quả.

Quy hoạch sông Hồng và hành lang thoát lũ là hai phần không tách rời của lịch sử phát triển Hà Nội an toàn hơn 100 năm qua. Có thể 20 năm qua còn những hạn chế, nay điều chỉnh lại để đảm bảo cân bằng bền vững giữa đất và nước sẽ mở ra cho Hà Nội tương lai phát triển hài hòa trong 100 năm tới hay xa hơn nữa. Nhìn rõ nguyên nhân cũng sẽ khắc phục ngay được nạn úng ngập khu vực trung tâm TP và khu vực Đại lộ Thăng Long.
Trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này, đòi hỏi Hà Nội cần có chiến lược thoát nước mới. Trong đó, phân thành 3 khu vực để có giải pháp cụ thể: Nội thành, các khu đô thị mới ven đô và vùng nông thôn (nhất là vùng trũng ngập, hành lang thoát lũ). Đồng thời cần tích hợp dự án thoát nước với các dự án hạ tầng đô thị như đường sắt đô thị đi ngầm, bãi đỗ xe ngầm, dịch vụ kỹ thuật, hầm đường bộ… Cùng với đó, thoát nước kết hợp với dự trữ nước sạch và nâng cấp cảnh quan, tăng cường sinh kế, khuyến khích vận tải thủy, năng lượng tái tạo…

Theo báo cáo rà soát của Sở QH - KT Hà Nội, quá trình cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước mới được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ở khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) và có thể giải quyết tình trạng ngập úng cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Trong đó đã đầu tư được 12/39 trạm bơm với tổng công suất khoảng 180m3/s đạt tỷ lệ khoảng 18%/tổng công suất trạm bơm khu vực đô thị trung tâm. Các khu vực khác của TP chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa như khu vực Tả Hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần