Đây thực sự là thách thức không nhỏ nếu không có những bước đột phá trong tư duy làm quy hoạch.
Quy hoạch chung Hà Nội cần tối ưu từ thực tiễn
Năm 2011, Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) New York, đã trao bằng khen mục “Thiết kế đô thị” cho các tác giả thực hiện Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với diễn giải: “Họ đã vẽ bằng tay, thể hiện ý tưởng một cách sáng tạo”.
Căn cứ vào bản quy hoạch này, Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã được lập và phê duyệt 2016, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong 5 năm (2016 - 2020) gần 477.000 tỷ đồng, mỗi năm cần 100.000 tỷ đồng, nhưng TP chỉ đáp ứng < 10%/năm, cao nhất là năm 2020: Gần 22.000 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân vốn trung hạn 2016 - 2020 cấp TP đến 31/1/2020 mới đạt 67.490 tỷ đồng, đạt 14% tổng nhu cầu.
Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội 2017; Bài học tái thiết ga Tokyo và hình ảnh Ga Hà Nội đầu TK20. Nguồn ảnh Hanoidata ST&BT |
Sự khác biệt quá lớn cho thấy bản Quy hoạch được bằng khen “vẽ đẹp” nhưng không có giá trị kinh tế đô thị, bỏ qua những phân tích thị trường, đặc biệt là xác định giá trị đất đai làm cơ sở để sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách tối ưu.
Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu “sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững”. Nhiệm vụ là phát hiện nguồn lực mới trên nền tảng tài nguyên, nguồn nhân lực hiện có, đồng thời kiến tạo các mối quan hệ đa ngành nhằm khai thông, tích hợp, đồng bộ nguồn lực đang phân tán tạo nên động lực tổng hợp.
Để lập ra quy hoạch mới, cần chuyên gia kinh tế - xã hội có những quan điểm tham chiếu, tích hợp với thể chế kinh tế mới. Đây là một thách thức vì hầu hết đồ án Quy hoạch của Hà Nội cũng như cả nước xây dựng trước đây, phân tích kinh tế, đô thị trình bày còn mang tính chủ quan, ít có giá trị thực tiễn. Để khắc phục tồn tại này, Hà Nội đã thuê tư vấn ngoại, hy vọng có ý tưởng mới, tuy vậy kết quả không như mong đợi.
Cách tiếp cận mới nhìn từ quy hoạch ga Hà Nội và phụ cận
Năm 2017, TP Hà Nội giao tư vấn nước ngoài nghiên cứu khu vực quy hoạch ga Hà Nội và phụ cận, tổng đầu tư xây dựng gần 24.000 tỷ đồng. Khu vực quy hoạch được phân thành 9 vùng không gian, trong đó có 6 khu cao 40 - 70 tầng: Tài chính; truyền thông; lối sống mới; nghỉ dưỡng và ga đường sắt. Có 3 khu vực thấp tầng gồm: Văn hóa; công viên và thương mại quốc tế.
Dự án tận dụng các khu đất công để xây dựng tổ hợp bất động sản thương mại khổng lồ nhưng không chỉ ra lợi ích công thu lại được bao nhiêu mà còn đề xuất ngân sách đầu tư 700 tỷ đồng. Xét về nội dung kinh tế đô thị, bản quy hoạch này vẫn theo cách cũ nên không có sáng kiến mới nhằm tạo ra nguồn lực cho phát triển bền vững. Các quy hoạch đều tách ra từng mục tiêu, nguồn lực riêng lẻ: Đường sắt quốc gia (ĐSQG) thì trông vào đầu tư ngân sách Nhà nước; đường sắt đô thị (ĐSĐT) phần lớn phụ thuộc vốn vay nước ngoài đắt đỏ và bị động; bất động sản quanh nhà ga thì tư nhân đầu tư, tận thu lợi ích từ khai thác quỹ đất công với giá thuê đất thấp, còn hạ công trình hạ tầng thì đẩy cho đầu tư công.
Chia rẽ có thể mang lại ích lợi từng ngành, từng bộ phận, nhưng làm tổng thể nguồn lực xã hội suy kiệt, do vậy cần phương pháp quy hoạch mới: Tích hợp, đa ngành, liên kết tổng hợp các nguồn lực phát triển.
Năm 2010, Đoàn chuyên gia JICA - Nhật Bản đã công bố báo cáo Nghiên cứu Phát triển ĐSĐT gắn kết với phát triển đô thị tại Hà Nội. Trong đó xác định vị trí trọng yếu của ga Hà Nội trong tổng thể phát triển ĐSQG, liên vận quốc tế và 3 tuyến ĐSĐT.
Các dự án tái thiết đô thị trên thế giới, khu vực ga trung tâm bao giờ cũng là địa điểm hấp dẫn, mang lại nhiều lợi ích, thu hút vốn đầu tư xã hội do vậy cần phải ưu tiên đạt 3 mục tiêu đó là: Hiện đại hóa hệ thống giao thông; bổ sung không gian sinh hoạt công cộng, cây xanh, mặt nước; gia tăng ngân sách, tài sản công.
Năm 2015, Ban soạn thảo Luật Quy hoạch đã tổ chức đoàn tham quan học hỏi tại Bộ Đất đai Hạ tầng giao thông và du lịch Nhật Bản, nước bạn đã giới thiệu mô hình tái thiết ga Tokyo: Xây dựng từ 1914, bị bom Mỹ phá hủy 1945 và xây dựng lại bằng một phần tiền bán đi quyền khai thác không gian cho các công trình xung quanh (TDR - Transfer Development Right: Chuyển giao quyền phát triển). Ga Tokyo được phục chế, mở rộng không gian công cộng trên mặt đất trong khi giao thông, hạ tầng đô thị được nâng cấp cùng với việc phát triển các cao ốc thương mại.
Tương tự ga Tokyo, tái thiết ga Hà Nội phải là cơ hội gia tăng tài sản quốc gia, tạo nguồn lực mạnh mẽ để hiện đại hóa ĐSQG lẫn ĐSĐT, đóng góp quan trọng cho giao thông đô thị. Đó chính là kết quả mong đợi của phương pháp quy hoạch mới: Tích hợp, đa ngành. Ví dụ không chỉ theo đuổi một mục tiêu đầu tư ĐSĐT mà tích hợp nhiều mục tiêu khác ngay trong khu vực ga Hà Nội, tại đây tuyến ĐSĐT số 3 có hạng mục xây 2 ga ngầm ngoài ga (S11&S12), nối với nhau bằng đường ngầm chui dưới sân ga, chi phí hơn trăm triệu USD.
Thay vì phải đi vay, có thể huy động vốn xã hội đầu tư xây mới nửa triệu mét vuông tầng ngầm đa năng: Bố trí nhà ga và đường ngầm của ĐSĐT kết hợp cải tạo nâng cấp ĐSQG chạy qua trung tâm TP, lại dư ra diện tích 20.000 chỗ đỗ xe. Chỉ riêng thu tiền nhượng quyền khai thác bãi đỗ xe ngầm đã đủ hoàn vốn xây dựng. Các hạng mục phát triển khác trong khu vực cũng có thể gia tăng tài sản quốc gia, bổ sung nguồn tài chính rất lớn không chỉ để đầu tư hạ tầng đô thị mà còn tạo ra một không gian công cộng khổng lồ cho Hà Nội.
Đây chính là mong đợi của cách tiếp cận mới: Phát hiện ra nguồn lực mới, tích hợp đa ngành để các nguồn lực cùng hợp tác phát triển.
Chia rẽ có thể mang lại ích lợi từng ngành, từng bộ phận, nhưng làm tổng thể nguồn lực xã hội suy kiệt, do vậy cần phương pháp quy hoạch mới: Tích hợp, đa ngành, liên kết tổng hợp các nguồn lực phát triển. |