Theo đó, từ nay sẽ bỏ qui định về hộ khẩu, chứng minh Nhân dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến lưu trú, hôn nhân, việc làm, kinh doanh, khám chữa bệnh… Đây được xem là biện pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho dân, từng bước bắt kịp công nghệ quản lý xã hội hiện đại.
Theo Nghị quyết này thì từ nay sẽ bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong công tác quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, thông qua việc cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một quyết định được cho là hợp thời, hợp quy luật và hợp lòng người của người đứng đầu Chính phủ!
Chỉ có điều là vì sao một chủ trương có lợi cho dân như thế mà mãi tới bây giờ chúng ta mới triển khai áp dụng. Xin không nại ra chuyện cũ. Bởi nguyên nhân thì hẳn là có nhiều, nhưng chẳng ai dại gì lại thừa nhận sự lạc hậu, trì trệ, “hành dân”, “nhũng nhiễu dân”, thậm chí là trục lợi từ cái “sổ hộ khẩu”… Chỉ biết rằng, đã đến lúc không thể để sự trì trệ ấy tồn tại mãi, mà phải mạnh dạn cởi trói. Không chỉ cởi trói cho người dân khi có việc cần đến cơ quan công quyền, mà còn cởi trói cho cả hệ thống các cơ quan trong bộ máy hành chính quốc gia. Bộ máy sẽ bớt cồng kềnh, nguồn nhân lực sẽ được dùng vào những việc có ích hơn cho đất nước, mà không phải mất thời gian ngồi... đếm giấy hưởng lương như lâu nay!
Một khảo sát do Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tại 5 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông cho thấy, có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú. Trong đó, TP Hồ Chí Minh 36% dân cư không có hộ khẩu, còn tại Hà Nội là 18%. 70% người dân được khảo sát cho rằng, cuốn sổ hộ khẩu đã làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú và là mảnh đất tốt cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Vì vậy, việc bỏ quy định về sổ hộ khẩu và CMND được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong các mối quan hệ hành chính và hệ thống dịch vụ công. Sâu xa hơn, sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu dân của đội ngũ cán bộ cơ sở, nhân viên ở các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng, bỏ quy định về hộ khẩu, liệu có xảy ra tình trạng người dân đổ xô về các TP lớn sinh sống làm việc? Đặc biệt là với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dẫn đến tình trạng gia tăng nhanh dân số cơ học, gây khủng hoảng cục bộ về hệ thống an sinh xã hội như giao thông, giáo dục, khám chữa bệnh, phòng chống tệ nạn xã hội…
Song, nếu đặt trong tổng thể, rõ ràng, quyền cư trú của công dân là quyền được pháp luật thừa nhận. Sự gia tăng dân số vào các TP lớn là quy luật tất yếu của sự phát triển. Không thể vì khó khăn cho công tác quản lý mà chính quyền các TP lớn lại tự cho mình quyền được dùng các biện pháp hành chính để ngăn cản. Thay vào đó là hãy tìm biện pháp hỗ trợ một cách hợp lý cho quá trình dịch chuyển đó. Vì suy cho cùng, sự dịch chuyển dân cư từ nông thôn vào TP cũng là yếu tố thúc đẩy quá trình đô thị hóa - một chỉ tiêu đánh giá tốc độ phát triển của quốc gia.