Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết tâm của người đứng đầu

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đã thể hiện sự kiên quyết trong việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm sông Tô Lịch, sớm đưa con sông trở lại trong sạch vào dịp 2/9/2025, khiến người dân không giấu được vui mừng.

Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Dòng sông này luôn gắn bó với đời sống cư dân nội thành, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa.

Đáng tiếc, trong vài thập niên gần đây, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho diện tích sông bị thu hẹp, nhiều đoạn hành lang bảo vệ bị lấn chiếm, tập kết rác và xả nước thải bừa bãi, đã khiến chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.

Để ngăn chặn sự ô nhiễm không dừng ấy của sông Tô Lịch cũng như các con sông nội đô khác, TP Hà Nội đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp để làm sạch hệ thống sông. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng. Dấu ấn rõ nét là năm 2013, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm đã được TP Hà Nội đưa vào vận hành, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu.

Cùng đó, nhiều dự án cũng được TP Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm.

Đó là một số dẫn dụ nổi bật cho thấy, trong những năm qua, TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để hồi sinh các dòng sông "chết" qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, Kim Ngưu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp này rõ ràng vẫn chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là với sông Tô Lịch.

Vì thế, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày đêm), sau thời gian dài chậm tiến độ, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP Hà Nội thời gian gần đây, đã hoàn thành và bắt đầu vận hành thử nghiệm vào tháng cuối cùng của năm 2024 này, thực sự là động lực lớn để lộ trình cải tạo môi trường nước sông Tô Lịch, mà cụ thể là đẩy nhanh triển khai dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch với ngày về đích 2/9/2025.

Nói thì đơn giản nhưng để thực hiện hẳn không dễ dàng chút nào, khó chồng khó. Vì thế mà suốt 3 thập kỷ qua, chính quyền Hà Nội, cùng nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã triển khai nhiều giải pháp, nâng cao nhận thức của DN và người dân, nhưng đến nay, sông Tô Lịch vẫn chưa thể “hồi sinh” trở lại.

Để làm sống lại sông Tô Lịch đúng nghĩa, rõ ràng không chỉ là đầu tư hạ tầng kỹ thuật mà cần giải pháp tổng thể và sự chung tay của cả cộng đồng. Với những gì Hà Nội đã làm được trong thời gian qua, cùng với ý chí, quyết tâm cao của người đứng đầu TP, Hà Nội chắc hẳn sẽ không lỗi hẹn với người dân Thủ đô, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử hơn 1000 năm của Thủ đô.