Đây là một tập sách, bằng bút pháp văn học, thể hiện khá nhuần nhuyễn từ một góc nhìn về làng báo. Tác giả đã “Tiểu thuyết hóa” một nguyên mẫu - chuyện có thực mà lại không có thực ngoài đời.
Với xấp xỉ nửa thế kỷ lăn lộn trong nghề báo, nhà báo Phạm Quốc Toàn có cả một kho đồ sộ với nhiều mẫu người khác nhau, đáng chú ý là lớp người trong giới báo chí đương đại. Tuy nhiên, ông đã không lấy mình làm nhân vật trung tâm của tác phẩm mà chọn một “già làng” tiêu biểu, trọn 90 Xuân có thật ngoài đời, đã dành tới 70 năm gắn với nghề báo, nghiệp văn để gửi gắm niềm tin và hy vọng. Với tấm lòng chân thành vốn có và sự sắp đặt vô hình, nhà báo Phạm Quốc Toàn gắn bó nghề nghiệp với nhà báo, nhà văn sinh ra và lớn lên từ bến sông Nhùng, tỉnh Quảng Trị “Gió Lào cát trắng”.
“Từ bến sông Nhùng”, cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang. Chỉ cần đọc mấy chục trang đầu, người trong cuộc dễ dàng nhận ra nhân vật - nhà báo, nhà văn Phan Hoàng là ai. Nhiều nhân vật có thật ngoài đời mang giá trị điển hình đã bước vào trang sách một cách tự nhiên, khiến vai trò, vị trí báo giới và giá trị hiện thực thêm phần đậm nét.
Hiện thực “Từ bến sông Nhùng” chủ yếu đề cập nghề báo, làng báo. Tất cả chín chương, với những liều lượng khác nhau, đề cập hai điều chính yếu là nhà báo hãy xác định rõ “bạn là ai giữa đời thường” (Chương 4) và “đạo đức người làm báo là gì” (Chương 7). Bàn về hai điều trọng yếu này, cần phải có một nhà báo gạo cội, một tấm gương sáng cả về nhân cách và tài năng, làm “Phán quan”.
Để tránh sự đơn điệu, tác giả “Từ bến sông Nhùng” chọn thể loại chương hồi, lấy chủ đề làm tiêu mục cho các phân đoạn, với hai chương trung tâm nằm giữa cuốn sách là “Nhà báo, bạn là ai” và “Đạo đức nghề nghiệp”. Quả thật việc giác ngộ về Chỗ đứng trong xã hội của phóng viên và Đạo đức người làm báo đang là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, bên cạnh mặt tốt là chủ đạo, nổi trội, phần nào vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây bất an cả trong quần chúng nhân dân và trong báo giới. Dùng kết cấu chương hồi theo chủ đề, tác giả có điều kiện trở đi trở lại, chỉn chu và kĩ càng với vấn đề trọng yếu mình muốn nói.
Trong quá trình kết giao với ông Phan (nguyên mẫu), nhà báo Phạm Quốc Toàn thấy nhà báo lão thành này đau đáu một niềm mong mỏi và cả nỗi lo cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam hiện nay. Đây cũng là những trăn trở của tác giả Phạm Quốc Toàn khi lãnh đạo một tờ báo cụ thể cũng như lúc là một trong những thành viên lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam. Hàng ngày hàng giờ, trong làng báo nước ta xuất hiện rất nhiều tấm gương tận tụy với nghề, sẵn sàng hi sinh, dũng cảm vì công lí, vì nhân dân và cũng có không ít kẻ lười nhác, kiếm danh cầu lợi, mang tấm thẻ hành nghề cao quí đi hù dọa, tống tiền và nguy hại hơn là để đóng vai “Ngụy Diên” thời hiện đại!
Đọc “Từ bến sông Nhùng”, vui mừng thấy nhà báo Phạm Quốc Toàn đã có những trang viết thành công khi phác họa một phần diện mạo và gương mặt làng báo Việt Nam đương đại, và qua đó, thêm một tiếng nói, góp phần xây dựng, phát triển nền báo chí mới: Chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, vì đất nước và Nhân dân.