Ukraine hối thúc Mỹ gửi radar tầm ngắn Sentinel
Theo nguồn tin tiết lộ với tờ Politico tuần này, Ukraine đang khẩn thiết đề nghị Mỹ cung cấp hệ thống radar tầm ngắn Sentinel cho nước này trước mùa Đông tới nhằm bảo vệ các hạ tầng quan trọng trước nguy cơ chiến dịch tấn công diện rộng mới của Nga.
Mặc dù yêu cầu này dường như không đáng kể so với những đề nghị hỗ trợ xe tăng Abrams, máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS, song Kiev xem hệ thống radar Sentinel đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bảo vệ hạ tầng thiết yếu như cơ sở năng lượng.
Đặc biệt hơn, hệ thống radar tầm ngắn của Mỹ được cho là có thể giúp Ukraine bảo vệ các nhà máy chế tạo vũ khí trong bối cảnh nước này đang tìm cách đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước.
Sentinel là radar phòng không mảng pha 360 độ X-Band với phạm vi hoạt động 75km. Hệ thống radar này có thể tiến hành giám sát liên tục để phát hiện, theo dõi và xác định các máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay và trực thăng của đối phương.
Politico không nêu rõ Ukraine đề nghị Mỹ viện trợ Sentinel phiên bản nào, song có thông tin nói rằng đó là AN/MPQ-64 Sentinel, tương tự những hệ thống bị quân đội Nga phá hủy tại Ukraine ở giai đoạn đầu xung đột.
Các radar hoạt động như một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa và có thể được tích hợp với nhiều loại vũ khí khác như hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS), tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) và các thiết bị phòng không tầm ngắn.
Radar Sentinel sẽ giúp Ukraine lật ngược tình hình?
Bình luận về việc Ukraine mong muốn được Mỹ hỗ trợ radar tầm ngắn, chuyên gia quân sự Dmitry Stefanovich tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO RAS) nói với Sputnik: “Sentinel là radar có tính cơ động cao giúp tìm kiếm các mục tiêu khí động học như UAV, tên lửa hành trình, máy bay. Theo đánh giá, radar này được tích hợp chặt chẽ, có thể tích hợp với các hệ thống như Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS)”.
Vị chuyên gia Nga cho rằng số lượng radar mà Ukraine sở hữu ngày càng giảm và Kiev đang nỗ lực bổ sung thêm hệ thống mới.
Theo chuyên gia Stefanovich, những trở ngại do radar Sentinel của Mỹ gây ra đối với Moscow không khác nhiều so với những thách thức mà quân đội Nga đã phải đối mặt trong cuộc xung đột hiện tại. Do đã từng phát hiện và phá hủy các radar này trước đây, nên Moscow đã có kinh nghiệm về cách đối phó với loại thiết bị quân sự này.
Ông Stefanovich cho biết, Nga phải sử dụng tên lửa chống radar, với sự hỗ trợ của tác chiến điện tử và trinh sát điện tử.
“Cuộc xung đột tại Ukraine một lần nữa chứng minh rằng với cách tiếp cận đúng đắn, lực lượng phòng không trên mặt đất là đối thủ rất đáng gờm đối với bất kỳ máy bay nào. Bên cạnh đó, hệ thống phòng không của Nga cũng rất mạnh. Vì vậy, hệ thống radar Sentinel không phải “cây đũa thần” cho Ukraine” - chuyên gia Stefanovich giải thích.
Ông nhấn mạnh, quân đội Nga có thể áp đảo các hệ thống phòng không của Ukraine bằng UAV, mục tiêu giả, để dễ dàng thực hiện hoạt động xâm nhập.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này lưu ý không nên đánh giá thấp đối thủ. Theo ông Stefanovich, quân đội Ukraine đã lắp ráp, tích hợp khá đơn giản các hệ thống cũ kỹ với hệ thống hiện đại có nguồn gốc khác nhau, thậm chí có thể cải tiến để tái sử dụng những vũ khí được coi là “vật liệu phế liệu”.
Chuyên gia Stefanovich đánh giá rằng chắc chắn hệ thống radar tầm ngắn Sentinel của Mỹ sẽ hoạt động không hiệu quả như một tổ hợp phòng thủ thống nhất.
Ông Stefanovich kết luận rằng các cuộc giao tranh của các loại vũ khí tiên tiến sẽ tiếp tục diễn ra trên chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, radar Sentinel không có khả năng đảo ngược tình hình đã được thiết lập trên chiến trường, sau những tổn thất trong chiến dịch phản công mùa Hè của Ukraine.