Phân cấp, phân quyền là vấn đề liên tục được nhắc đến mỗi khi bàn về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của chính quyền các cấp... Có thể nói rằng, trong những năm qua, việc phân cấp đã có nhiều điểm mới trong hầu hết các lĩnh vực từ quản lý nhà nước, các hoạt động chuyên ngành để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đã góp phần nâng cao sự chủ động, sáng tạo của các địa phương và thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, thực tế, sự chồng chéo về trách nhiệm và nghĩa vụ, như lĩnh vực đất đai có đến 3 cấp chính quyền cùng quản lý. Hay nhiều lĩnh vực liên quan “mật thiết” đến không ít bộ, ngành nên dẫn đến việc “nhìn nhau” giữa các cơ quan, tạo thành khoảng hở trong quản lý.
Thực tế, tại nhiều địa phương đang đẩy mạnh phân cấp giữa chính quyền TP và các cấp theo hướng cấp nào thực hiện tốt hơn thì giao cấp đó. Tuy nhiên, không ít lĩnh vực vẫn bị vướng bởi những quy định của Luật. Dẫn đến có nhiệm vụ nếu giao cho cấp dưới giải quyết sẽ hiệu quả hơn nhưng chưa thực hiện; một số nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp song chưa đi kèm với các điều kiện bảo đảm thực hiện (tài chính, nhân lực); có nhiệm vụ phân cấp nhưng vượt khả năng giải quyết của cơ quan, đơn vị được phân cấp.
Do đó, làm giảm tính chủ động, sáng tạo và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp. Ở một góc nhìn khác, chính sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền chưa đủ rõ ràng, mạch lạc, nên có hiện tượng nhiều địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, tạo ra sự quá tải.Như nhiều ý kiến đã nhận định, Luật là công cụ quan trọng cho quản trị đất nước, cho hành động của từng cấp, đề cao được thẩm quyền trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Do đó, với lần khởi động sửa đổi những điểm bất cập từ thực tiễn của hai luật liên quan đến tổ chức bộ máy từ T.Ư đến địa phương này, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải thực hiện phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương.
Luật lần này phải xác định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền để tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, đảm bảo tính hiệu quả của việc quản lý nhà nước, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Hay nói cách khác, cần làm rành mạch hơn; phân cấp mạnh hơn để Chính phủ là nơi ban hành chính sách, khung thể chế, thực hiện là ở cấp chính quyền địa phương. Nhưng rõ về phân cấp, song phải hạn chế tối đa ủy quyền và xin ủy quyền để tránh cơ chế xin - cho. Do đó, điểm quan trọng hàng đầu là cải cách thể chế và rõ chức năng của chính quyền các cấp, việc T.Ư thì T.Ư làm, việc địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, rõ người, rõ việc, mới tăng được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cấp, tránh được một việc nhiều cơ quan cùng quản lý nhưng vẫn không hiệu quả.