Thời gian qua, dư luận xôn xao về nguy cơ đá rơi trên cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 (QL45), một dự án thành phần của “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Tuyến đường này mới được đưa vào khai thác chưa được bao lâu.
Vừa đi vừa run
Khu vực nguy hiểm được người dân và giới tài xế nhắc đến là đoạn đường dẫn lên cầu vượt cao tốc Mai Sơn - QL45 thuộc địa phận thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Theo phản ánh của người dân thì khi làm đường, đơn vị thi công đã xẻ đôi quả núi trên để làm đường, khiến vách núi lởm chởm những chỏm đá như kiểu muốn rơi bất kể khi nào. Mỗi lúc đi qua khu vực này, nhiều người không tránh khỏi tâm trạng vừa đi vừa… run.
Để hạn chế nguy cơ đá rơi xuống người đi đường, đơn vị thi công đã cho lắp đặt hệ thống rào thép để phòng trường hợp đá rơi. Tuy nhiên, hệ thống rào chắn này lại khá mong manh so với những khối đá nặng hàng tấn, đang nằm cheo leo trên vách núi.
Do đó, sự có mặt của hệ thống rào chắn không những chẳng giúp cho người đi đường thêm an tâm chút nào mà lại khiến họ càng hoang mang, lo lắng hơn. Rủi nhỡ hòn đá nào rơi từ đỉnh núi xuống, ai dám chắc nó sẽ không “thổi bay” hệ thống rào chắn mong manh kia rồi phi thẳng xuống đường (?!).
Trước nguy cơ đá rơi trên, UBND xã Hà Tiến đã có báo cáo đến UBND huyện Hà Trung nhằm phối hợp với các đơn vị có liên quan đưa ra phương án, biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông qua đây.
Đồng thời, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở GTVT phối hợp với UBND huyện Hà Trung, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các đơn vị có liên quan, khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về nguy cơ sạt lở đá tại khu vực cầu vượt cao tốc Mai Sơn – QL45.
Qua đó, kịp thời có giải pháp phù hợp, đảm bảo kết cấu công trình và an toàn giao thông trong quá trình khai thác sử dụng của dự án và khu vực liên quan báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 20/10.
Hàng rào lưới có ngăn được đá lớn?
Về phía chủ đầu tư dự án cao tốc Mai Sơn – QL45 là Ban QLDA Thăng Long, sau khi dư luận lên tiếng về nguy cơ đá rơi trên tuyến cao tốc này, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, địa chất mái taluy đường đầu cầu mố M1 cầu vượt ngang Km 300+360 chủ yếu là đá vôi màu xám trắng phong hóa trung bình đến yếu, nứt nẻ mạnh.
Trong quá trình triển khai công tác đào nền đường các phạm vi nói trên, do hiện trạng tự nhiên của núi đá nứt nẻ mạnh, nhiều vết nứt dài, lớn, các khe nứt dễ tách rời, việc thi công hoàn thiện kích thước hình học mái taluy theo hồ sơ thiết kế là không khả thi. Do đó, các bên liên quan đã thống nhất điều chỉnh độ dốc mái taluy đào và nghiên cứu các giải pháp gia cố mái taluy, chống đá lăn, đá rơi.
Về chất lượng của giải pháp trên, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho hay, các pháp kỹ thuật đều đã được tính toán kỹ, đáp ứng điều kiện an toàn và trải qua sự đánh giá nghiêm ngặt của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Cụ thể, các vị trí mái taluy dương dọc tuyến cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 được gia cố bằng giải pháp: Khung bê tông cốt thép kết hợp với phun bê tông; Hệ lưới sức kháng cao và neo đá kết hợp với giải pháp hàng rào mềm chống đá rơi.
Kể từ khi đưa vào sử dụng vào tháng 5/2023, đoạn đường qua núi Giếng đã xuất hiện hiện tượng đá rơi khiến người dân lo lắng. Các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng đá rơi khiến người dân lo lắng nhằm để đảm bảo an toàn cho bà con mỗi khi qua đây – Chủ tịch UBND xã Hà Tiến Vũ Văn Được
Đại diện chủ đầu tư khẳng định, giải pháp kỹ thuật nêu trên đã được đơn vị Tư vấn thiết kế tính toán, Tư vấn thẩm tra, Bộ GTVT chấp thuận, Ban QLDA phê duyệt, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng thống nhất.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho biết, để phòng chống nguy cơ tai nạn đá lăn thì trong thi công có khá nhiều giải pháp. Có thể kể đến như làm hàng rào lưới hứng đá, làm hộc bê tông, làm neo kim loại, trồng cỏ… Trong đó, làm rào lưới như tại cao tốc Mai Sơn – QL45 cũng là giải pháp được sử dụng khá phổ biến.
“Những nơi có lượng đá nhỏ thì dùng cách này vừa kinh tế vừa đảm bảo tránh được tai nạn” – TS Nguyễn Hữu Đức nói. Theo chuyên gia này, mỗi giải pháp được sử dụng sẽ phù hợp với một mức chi phí nhất định. Trong phạm vi chi phí có thể chi được thì giải pháp đưa ra có thể áp dụng.
Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, hàng rào lưới mềm (còn gọi là lưới hứng) mà đơn vị này sử dụng cách cao độ mặt đường 12m, đã được kiểm toán có khả năng chịu được viên đá khối lượng 1,6 tấn rơi từ độ cao 40,69m. Lưới hứng có thể chịu được tối đa khối đá 4,5 tấn rơi từ độ cao tương tự.
Giải pháp gia cố mái taluy phạm vi Km 300+400 - Km 300+460 (phải tuyến) và đường đầu cầu mố M1 cầu vượt ngang Km 300+360 là giải pháp kỹ thuật đặc biệt. Trong đó, phạm vi đường cao tốc Km 300+400 - Km 300+460 (phải tuyến) đã được bổ sung giải pháp gia cố mái taluy bằng hệ lưới sức kháng cao và neo đá; Kết hợp với giải pháp hàng rào mềm RB2000KJ chống đá rơi. Phạm vi Km 0+320 - Km 0+440 đường đầu cầu mố M1 cầu vượt ngang Km 300+360 được bổ sung giải pháp gia cố mái taluy bằng phun vữa bê tông lưới thép, neo; Kết hợp giải pháp hàng rào mềm RB2000KJ chống đá rơi - đại diện Ban QLDA Thăng Long