Câu chuyện về người đồng tính bắt đầu được đề cập đến nhiều hơn trong 5 năm trở lại đây. Thế nhưng, đề tài này luôn là vấn đề nhạy cảm ở bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào. Và có lẽ phải chờ đến dự án phối hợp giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và phái đoàn ngoại giao Mỹ với mục đích giúp xã hội có cái nhìn hợp lý hơn về vấn đề đồng tính, thì Nhà hát Kịch Việt Nam mới mạnh dạn đưa đề tài này lên sàn diễn.
Cảnh trong vở diễn Chấm hỏi, chấm than
Vở kịch chỉ hơn 60 phút và đạo diễn NSƯT Anh Tú hơn một lần nhắc tới tính chất thử nghiệm. Để vở diễn hấp dẫn và đặc biệt phải phù hợp với những khán giả trẻ, đạo diễn Anh Tú và đồng nghiệp chọn hình thức nhạc cho kịch. Rất nhiều nhạc phẩm trữ tình quen thuộc của Việt Nam đã được lồng ghép thay lời thoại trong "Chấm hỏi, chấm than". Và như Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh nói: "Giọng hát trong vở kịch hoàn toàn là giọng thật của nghệ sĩ". Diễn vở theo hình thức nhạc kịch đúng là một thách thức với một đơn vị mà hơn 60 năm chỉ chuyên về kịch nói. "Thật ra, khi theo nghề, diễn viên kịch cũng được đào tạo một số kiến thức cơ bản về vũ đạo và thanh âm để phục vụ biểu diễn. Với vở diễn này, cái khó của chúng tôi chỉ là việc... đẩy những kỹ năng phụ ấy lên tầm cao hơn" - NSƯT Anh Tú cho biết. Tuy nhiên, các nghệ sĩ cũng mất 3 tuần tập luyện để thích ứng với yêu cầu."Chấm hỏi, chấm than" có 4 nhân vật chính và đều giao cho những gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Việt Nam: Minh (Lê Quang), Hoàng (Văn Quan), Lan (Ngân Hoa) và mẹ Minh (NSND Lan Hương). Nội dung vở diễn cũng gần với những câu chuyện về đề tài đồng tính mà người ta thường xuyên được đọc trong vài năm qua: 2 thanh niên Minh và Hoàng có một tình yêu đồng giới. Mẹ Minh ngăn cản, xúc phạm Hoàng và bắt con trai mình phải đi với Lan, một cô bạn gái đáng yêu. Lan biết sự thật về giới tính của Minh, nhưng đủ hiểu biết và cảm thông để chia sẻ với anh. Còn mẹ Minh không làm được như vậy nên vô tình đẩy Minh sâu hơn vào sự bế tắc...
Câu chuyện lên sân khấu như mong muốn tìm lời cảm thông cho những con người sinh ra không có quyền lựa chọn giới tính của mình. Họ không phải là người không bình thường nên đôi khi chỉ mong muốn được đối xử công bằng như bao con người khác. Nếu đầu tư "dài hơi" hơn, "Chấm hỏi, chấm than" có thể trở thành vở kịch lớn mang màu sắc lạ cho sân khấu phía Bắc.