Ở câu chuyện của hai nhân vật chính trong tác phẩm, người đọc sẽ tìm được hồi ức thanh xuân của chính mình, có dại khờ, tin yêu, có hy vọng, bồng bột, có hối hận và cả những “giá như”…
Nhân vật nữ chính được biết đến với tên “Bông cúc nhỏ” - biệt danh mà bạn bè đặt cho cô. Ẩn sau vẻ mong manh, trong sáng của “Bông cúc nhỏ” là sự kiên định, bất chấp với tình yêu mà cô dành cho Lý Hoa Thành (trong phim là Vu Hạo). N
ữ nhân vật chính đã bất chấp khoảng cách, hoàn cảnh khác biệt giữa mình và Lý Hoa Thành để yêu anh, rời bỏ vòng tay bao bọc của cha mẹ và điều kiện sống tốt của mình để dấn thân vào xã hội nhiều hiểm nguy, vô định, nơi cô tin đó là hạnh phúc. Đó là lựa chọn của một thời tuổi trẻ...
Khi nhìn lại những hồi ức đã qua, cả “Bông cúc nhỏ” và mỗi chúng ta có thể sẽ nói rằng “nếu được chọn lựa lại, tôi sẽ làm điều này, tôi sẽ không làm điều kia”. Khi là người trong cuộc, bạn chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp và hy vọng ở sự lựa chọn ấy, bạn đâu lường trước sự dấn thân đó sẽ đem tới mất mát, đánh đổi. Những nỗi đau hay vết sẹo để lại chính là trải nghiệm để chúng ta có dũng khí hơn, trưởng thành hơn, sống tốt hơn.
“Bông cúc nhỏ” là một bản tình ca buồn nhưng trong đó, người đọc có thể cảm nhận được nhiều điều tốt đẹp. Đó là tình bạn, tình anh em, tình người, tình cảm gia đình không gì thay đổi được. Bài học lớn nhất từ tác phẩm “Bông cúc nhỏ” là tầm quan trọng của gia đình với mỗi bạn trẻ khi họ đứng trước cánh cửa cuộc đời, khi họ muốn mình được tự quyết định lối đi riêng thì cha mẹ là người bạn, người chia sẻ và tư vấn quan trọng.
“Bông cúc nhỏ” thức tỉnh những người làm cha mẹ cần biết quan tâm và thấu hiểu con cái của mình hơn, để trở thành những người bạn của con chứ không phải áp đặt với con. Trên tất cả, “Bông cúc nhỏ” ca ngợi tình cảm gia đình và khiến chúng ta hiểu được một điều giản dị mà thiêng liêng rằng dù thế nào thì “nhà” vẫn là nơi ấm áp, đầy yêu thương để những người con lỡ bước quay về những khi yếu lòng hay đau khổ nhất.