Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sân khấu trong cơn khủng hoảng

Hạnh Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 tháng nghỉ diễn, sân khấu Hà Nội bắt đầu dựng vở mới, diễn trên hè phố dịp cuối tuần tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm, lên ý tưởng cho các vở diễn chất lượng cao… Tuy nhiên, nhiều năm nay, sân khấu vẫn phải chèo chống trong cơn khủng hoảng khán giả. Và tình trạng vắng khán giả còn báo động rõ hơn sau mùa dịch.

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ tập luyện chuẩn bị cho ra mắt vở diễn mới nhân dịp 1/6/2020. Ảnh: Nguyên Hạnh
Nửa mừng, nửa lo
Đêm diễn đánh dấu sự trở lại đầu tiên của sân khấu Hà Nội là chương trình biểu diễn tại phố đi bộ, trước cửa Nhà hát Kịch Hà Nội (42 Tràng Tiền) vào dịp từ 15 - 17/5. Đây cũng là chương trình thường kỳ, được Nhà hát Kịch Hà Nội thực hiện trước khi có dịch Covid-19. Các tiểu phẩm ngắn, mang tính giải trí, gần gũi với khán giả vẫn là tiêu chí hàng đầu của các vở diễn. Chương trình biểu diễn miễn phí nhằm mục đích để khán giả không quên sân khấu. Tại mỗi đêm diễn, hàng chục người, thậm chí nhiều khi con số ước chừng lên đến hơn 100 khán giả vây quanh sân khấu nhỏ bé trước cửa Nhà hát Kịch Hà Nội.
Trước mắt, để giải quyết những khó khăn cấp bách khi nghệ thuật biểu diễn chưa thu hút được khán giả trở lại rạp hát biểu diễn, Cục NTBD và các nhà hát cùng nghiên cứu phương thức xây dựng nhà hát online sao cho hợp lý, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông
Sau đợt giãn cách xã hội, được trở lại sàn tập, đối với nghệ sĩ đó là niềm vui. Cụ thể, nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ phấn khởi ra mặt khi được tập diễn cho hai vở kịch mới, dự kiến chiêu đãi các em thiếu nhi nhân dịp 1/6. Còn phía Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định khởi công vở mới – “Nữ cảnh sát SBC” do NSƯT Lâm Tùng đạo diễn.
NSƯT Xuân Bắc – quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ: Trong dịp giãn cách anh thường xuyên nhận tin nhắn, điện thoại của nghệ sĩ mong mỏi được trở lại sàn diễn. Mang tâm thế phòng dịch nhưng không thể đứng yên chờ chìm, nhà hát buộc phải xoay xở trở lại. Vì thế, dựng vở mới, chọn đề tài ăn khách hơn về nữ chiến sĩ săn bắt cướp là quyết định lấy đà khôn ngoan nhất. Một loạt nhà hát như Cải lương, Chèo, Tuồng Việt Nam, Múa rối Thăng Long, Múa rối Việt Nam... cũng trong trạng thái chờ lệnh biểu diễn. Song, vở diễn cứ dựng, khán giả có đến với sân khấu hay không lại là chuyện khác. Bởi lâu nay, việc chèo chống để khán giả tới sân khấu chưa bao giờ dễ dàng, chờ đại mùa doanh thu dịp 1/6 năm nay có nguy cơ vỡ trận, do Tết thiếu nhi 2020 học sinh chưa nghỉ hè.
Sân khấu khó khăn lắm rồi!
Trong buổi làm việc mới đây của đại diện lãnh đạo các nhà hát với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, từ Liên đoàn Xiếc T.Ư đến Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đều kêu trời. Trong đợt dịch, nghệ sĩ chấp nhận giảm 30% lương, không còn thu nhập diễn sô bên ngoài. Thu nhập cố định còn 2 - 3 triệu đồng/người. Ban Giám đốc nhiều nhà hát chấp nhận không nhận lương. Nhưng tình cảnh này còn kéo dài đến bao giờ thì chưa biết. NSƯT Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thừa nhận: “Không có Covid-19 sân khấu đã khó khăn lắm rồi, tôi sợ thói quen tới nhà hát càng khó trở lại”. Hết xoay xở các vở diễn thị trường rồi lại chuyển hướng xây dựng chương trình chất lượng cao, diễn thường kỳ tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Thế nhưng vở diễn thị trường cũng dần thưa thớt, lịch diễn các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của sân khấu ở Nhà hát Lớn giờ đây đã “phá sản”. “Không vì Covid-19 mà tôi đổ vấy cho sân khấu vắng khán giả. Đó là lý do nội tại, do những vở diễn của chúng tôi chưa chạm đúng nhu cầu của khán giả. Lỗi này là của chúng tôi, không phải của dịch bệnh” – NSƯT Chí Trung tự nhận.
Đổi mới phương thức hoạt động để giải bài toán hút khán giả được NSND Quang Vinh– quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) nêu ý tưởng: Mở nhà hát online. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này có lẽ làm mất đi đặc tính: Nghệ sĩ cần tương tác trực tiếp với khán giả để thăng hoa. Một số lãnh đạo nhà hát tính tới việc gói gọn vở diễn nhất có thể, ứng biến phù hợp mọi sân khấu không bục bệ dễ bề tiếp cận khán giả. Nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Khán giả mong muốn, sau thời gian ngừng nghỉ 2 tháng vì dịch, chính là lúc nghệ sĩ nạp năng lượng, trăn trở tìm ra các giải pháp mới cứu sân khấu. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế là sự trở lại của sân khấu chưa có nhiều ấn tượng để hy vọng những đột phá cho bộ môn nghệ thuật giàu truyền thống này.