Sân khấu Xiếc đổi mới diễn viên

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên đoàn xiếc Việt Nam đã chuyển hướng tập trung phát triển nhiều loại thú nuôi gần gũi với con người. Để những những “diễn viên chân quê” thành thục, nghệ sĩ huấn luyện đã phải tốn nhiều thời gian, tâm sức để nuôi dạy, tập cho chúng những động tác thật sự là xiếc đúng nghĩa.

Nghệ sĩ dê be be, lợn ủn ỉn trên sâu khấu Xiếc

Tối 25/5, Liên đoàn xiếc Việt Nam ra mắt vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” phục vụ các em thiếu nhi. Trước xuất diễn 1 giờ, phụ huynh và các em nhỏ đã tạo nên bầu không khí sôi động xung quanh Rạp Xiếc T.Ư, điều đã từ lâu ít xuất hiện trong 2 năm qua do dịch Covid-19. Sát giờ diễn, những hàng ghế của sân khấu tròn dần lấp đầy, hàng ngàn ánh mắt háo hức đổ dồn về phía sau lớp màn che – nơi các diễn viên sẽ xuất hiện.

Khán giả đến xem vở diễn “Chúa tể rừng xanh” .
Khán giả đến xem vở diễn “Chúa tể rừng xanh” .

Đúng 20 giờ, chị Thỏ hồng (diễn viên Nguyễn Ngọc Diệp) bước ra trong màn pháo tay, ánh mắt tròn xoe và âm thanh náo động khắp các khán đài. Vở diễn gồm 3 phần: “Ngày hội tranh tài”, “Lên ngôi chúa tể”, “Ngôi nhà chung”, với chủ đề về lòng nhân ái và tình đoàn kết tạo nên sức mạnh. Xen lẫn giữa các cảnh trong vở diễn là các tiết mục xiếc mèo, xiếc dê, xiếc trâu, xiếc khỉ, xiếc lợn, xiếc chó, xiếc ngựa, xiếc vẹt, pa-tin, ảo thuật, tung hứng, xe chỉ, lắc vòng, đế kiếm trên lưng trâu, đu quay, đu dây, thăng bằng trên dây thép chùng, quay thảm… mang đến những màn biểu diễn vui vẻ, tiếng cười và sự háo hức cho các em thiếu nhi.

Hình ảnh trong vở diễn “Chúa tể rừng xanh” .
Hình ảnh trong vở diễn “Chúa tể rừng xanh” .

Trong màn xiếc dê, hai chú dê đen, trắng mũm mĩm vừa be be, vừa cùng đi ngược chiều nhau trên chiếc cầu bé xíu. Hai chú dê cứ tha hồ ủn nhau đi tiến, đi lùi mà không ai qua được. Rồi mọi chuyện được giải quyết bằng cách… một chú dừng lại, đứng im để chú kia lấy đà nhảy vèo qua mình. Trên khán đài, khán giả nhí vỗ tay, cười râm ran. Khi thấy những chú lợn ủn in nhảy qua vòng lửa, những chú trâu chạy như ngựa hay những động vật dễ thương như mèo, chó, khỉ biểu diễn, khán giả cũng ồ lên thích thú.

Diễn viên "dê" biểu diễn.
Diễn viên "dê" biểu diễn.

Điều mới lạ khác của sân khâu tròn hấp dẫn các em nhỏ là những “siêu” động vật như hổ vằn, sư tử, khỉ, bướm… nhưng do người đóng giả. Trong vở xiếc “Chúa tể rừng xanh”, hổ vằn và các bạn trong rừng cùng nhau chiến đấu để đuổi sư tử muốn lấn đất làm bá chủ khu rừng. Điều thú vị là khi hổ vằn cùng sư tử “chiến đấu” trên không với kỹ thuật đu bay, tiếng các khán giả nhí rất rõ phía dưới cổ vũ: “Anh hổ cố lên!”.

Trên những hàng ghế của sân khấu tròn, những ai quan tâm và yêu nghệ thuật xiếc sẽ thấy sự chuyển biến rất lớn về các tiết mục xiếc thú của Liên đoàn xiếc Việt Nam thời gian gần đây. Khó có thể nghĩ rằng những “diễn viên chân quê” như dê, lợn lại có thể làm những động tác xiếc rất tuyệt vời, đầy tự tin giữa ánh đèn rực rỡ và tiếng nhạc rộn ràng. Để có được những tiết mục hấp dẫn đó, nghệ sĩ huấn luyện phải tốn rất nhiều thời gian, tâm sức để nuôi dạy và tập cho chúng những động tác thật sự là xiếc đúng nghĩa. Sự hào hứng và những tràng pháo tay kéo dài không ngớt từ khán giả đã minh chứng cho hiệu quả và nỗ lực không mệt mỏi của Liên đoàn xiếc Việt Nam nói riêng, ngành xiếc Việt Nam nói chung trong xu thế hội nhập với quốc tế.

Phù hợp với xu thế chung

NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, tác giả kiêm đạo diễn chương trình “Chúa tể rừng xanh” cho biết: Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, chúng ta phải tuân theo các công ước của quốc tế đã đưa ra về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc. Các loài thú lớn như voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu xiếc. Thay vào đó, Liên Đoàn xiếc Việt Nam đã chuyển hướng tập trung phát triển nhiều loại thú nuôi, gần gũi với con người. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu của khán giả nói chung và khán giả nhỏ tuổi nói riêng, Liên đoàn quyết định các chương trình cần sự xuất hiện của thú hoang dã, các nghệ sĩ sẽ đội lốt thú để biểu diễn. Việc thay thế thú hoang dã bằng diễn xuất của nghệ sĩ là phương pháp tiếp cận mới của Liên đoàn với khán giả trung thành của sân khấu xiếc truyền thống. Cách tiếp cận này vừa đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế, vừa đem tới những cảm xúc mới, không kém phần hấp dẫn, tính giải trí và giáo dục cao, tăng tính tương tác trực tiếp của nghệ sĩ với khán giả.

Diễn viên hổ do người đóng giả.
Diễn viên hổ do người đóng giả.

Cụ thể, với chương trình “Chúa tể rừng xanh”, tác giả đã cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu nội dung phù hợp với đối tượng khán giả trẻ em. Nội dung chương trình dựa vào một bài học trong sách giáo khoa lớp 1 nên hầu hết các em đều thuộc tên các loài thú, trong đó có nhiều loài thú hoang dã. Việc thay thế thú hoang dã bằng diễn xuất của nghệ sĩ trên sân khấu không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống mà còn giúp truyền tải các nội dung, thông điệp cho trẻ em dễ hiểu, nhất là khi các nhân vật có thoại. Cùng với các trò diễn, ngôn ngữ đặc thù của xiếc, hy vọng chương trình sẽ thu hút khán giả, đặc biệt là trẻ từ mầm non đến các em học sinh tiểu học.

Các em nhỏ thích thú theo dõi biểu diễn xiếc.
Các em nhỏ thích thú theo dõi biểu diễn xiếc.

Cũng theo NSND Tống Toàn Thắng, chương trình “Chúa tể rừng xanh” là bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nghệ thuật xiếc thú mới của Đoàn nuôi dạy thú, hướng tới phục vụ khán giả thiếu nhi, diễn theo lịch cố định vào thứ Năm hàng tuần tại Rạp Xiếc T,Ư và phục vụ các buổi ngoại khóa của các trường.