KTĐT - Hai hậu quả lớn nhất của khủng hoảng tài chính gần đây là thâm hụt ngân sách, nợ của Mỹ tăng cao và sức mạnh kinh tế chuyển từ Tây sang Đông.
Có nhiều lý do mà người Mỹ dù không muốn nhưng sẽ vẫn phải chấp nhận đồng USD yếu.
Hai hậu quả lớn nhất của khủng hoảng tài chính gần đây là thâm hụt ngân sách, nợ của Mỹ tăng cao và sức mạnh kinh tế chuyển từ Tây sang Đông. Có một cách duy nhất mà chính phủ các nước có thể làm để giải quyết ảnh hưởng của hai vấn đề trên: vận động và đưa ra thay đổi lớn trong quan hệ các đồng tiền, đặc biệt là vấn đề đồng USD yếu.
Ai cũng biết nguồn gốc của vấn đề: Thâm hụt ngân sách Mỹ trong năm tài khóa vừa qua đã lên mức tương đương 10% GDP - mức cao nhất tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong khi đó, nợ nước ngoài của Mỹ trong năm 2008 đã tăng gấp 3 lên mức 3.500 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng 1.000 tỷ USD/năm trong 10 năm tới.
Tất cả những thông tin trên chưa nói hết về một nước Mỹ nơi cơ sở hạ tầng đang đi xuống và nhiều bang thiếu tiền. Để thu hẹp khoảng trống ngân sách, người ta cần tăng thuế lên mức rất cao và hạn chế mạnh chi tiêu.
Một nước Mỹ với sự đối nghịch căng thẳng của các đảng phái và những quyền lợi riêng được đặt lên cao nếu thực hiện được 1 trong 2 mục tiêu trên đã là một điều kỳ diệu, chưa nói đến 2 mục tiêu.
Chính phủ Mỹ vì thế không còn nhiều lựa chọn ngoài việc in thêm USD, hạ giá đồng tiền này và cung cấp dịch vụ với giá rẻ hơn.
Còn yếu tố khác buộc người Mỹ phải chấp nhận đồng USD yếu: nhu cầu tiêu dùng của người dân đang đi xuống khi tín dụng hạn chế sau thời kỳ tăng trưởng không hạn chế suốt 15 năm.
Nước Mỹ đang tuyệt vọng tìm kiếm thị trường nước ngoài để xuất hàng hóa, đó có thể là thị trường những nước mới nổi nơi tầng lớp trung lưu đang giàu lên và cơ sở hạ tầng cần nhiều thay đổi mới. Đồng USD yếu có thể giúp hàng hóa và dịch vụ của Mỹ có thêm khả năng cạnh tranh.
Trong khi đó, thập niên tới, những nền kinh tế lớn của châu Á sẽ tăng trưởng nhanh gấp đôi kinh tế Mỹ và gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu. Đến năm 2020, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Hàn Quốc và Việt Nam có thể tạo ra lượng của cải nhiều hơn Mỹ, Nhật và châu Âu cộng lại, khi đó đồng nội tệ châu Á sẽ tăng giá so với USD.
Đồng USD hạ giá là một thực tế buồn đối với Mỹ, dù điều này không thể tránh được. Đồng USD yếu khiến người Mỹ nghèo hơn bởi họ phải trả giá cao hơn cho hàng hóa nhập khẩu: quần áo, máy tính, xe ô tô, đồ chơi, thực phẩm… Việc quân đội Mỹ đóng quân ở nước ngoài sẽ còn tốn kém hơn bởi các chi phí ở đó leo thang nếu tính theo USD.
Nhập khẩu chững lại, áp lực của các công ty nước ngoài trong việc duy trì mức giá cạnh tranh tại thị trường Mỹ giảm, khả năng lạm phát có thể cao hơn.
Tín hiệu về giá cả tại một đất nước cho đến nay vẫn hết sức tự hào về khả năng sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao, đồng USD yếu sẽ khiến các công ty sản xuất chuyển trọng tâm sang cạnh tranh về giá cả hơn là chất lượng sản phẩm. Ảnh hưởng chính trị và uy tín của nước Mỹ có được nhờ vị thế “vua” của đồng USD sẽ biến mất.
Hơn thế nữa, đồng USD nằm ở vị trí trung tâm của kinh tế toàn cầu đã hơn nửa thế kỷ nên sự đi xuống của đồng USD, nếu không diễn ra chậm và từ từ, có thể sẽ dẫn đến thời kỳ cạnh tranh giảm giá và chính sách thương mại thiếu bình đẳng.
Việc hệ thống tiền tệ toàn cầu bao lâu nay quá tập trung vào đồng USD cần được thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc đưa ra bộ khung bao gồm nhiều loại tiền tệ khác nhau như đồng euro, đồng yên, đồng nhân dân tệ và quyền rút tiền đặc biệt của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Liệu Chính phủ Mỹ và một số chính phủ nước khác có bình tĩnh và táo bạo để điều chỉnh mọi việc sang thời kỳ mới, nếu để thị trường quyết định, rủi ro gây chấn động thị trường tài chính sẽ không nhỏ.