Sáng kiến, sáng tạo trong công chức, viên chức, người lao động Thủ đô lan tỏa rộng

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phong trào "Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân viên chức lao động Thủ đô" đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước.

Nhiều sáng kiến tạo việc làm cho hàng nghìn lao động

Tại cuộc tuyên dương “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô” và tôn vinh 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2024 do Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã tổ chức ngày 2/10, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLD TP Lê Đình Hùng cho biết, từ phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, LĐLĐ TP Hà Nội đã triển khai cụ thể bằng phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”.

Gần 3 thập kỷ qua, phong trào tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực, có tính lan tỏa rộng lớn trong các khu vực, nhất là khu vực sản xuất, kinh doanh. Đến nay, phong trào vẫn khẳng định vị thế là phong trào trọng tâm trong CNVCLĐ Thủ đô, được các cấp chính quyền, công đoàn, chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động hưởng ứng tích cực.

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLD TP Lê Đình Hùng phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLD TP Lê Đình Hùng phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, phong trào "sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô" đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước.

Nhiều sáng chế, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị và phương pháp công nghệ của CNVCLĐ được triển khai thực hiện, giúp doanh nghiệp, đơn vị khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, giúp cải thiện điều kiện môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người lao động, an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

"Điểm nhấn của phong trào này là đã chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở, động viên khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và CNLĐ trực tiếp có sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh" - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP nhấn mạnh.

Các cá nhân được biểu dương sáng kiến, sáng tạo năm 2024
Các cá nhân được biểu dương sáng kiến, sáng tạo năm 2024

Năm 2024,  đã có 95.523 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 2.086 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ 801 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn đề nghị từ cấp trên cơ sở, hội đồng thi đua LĐLĐ TP đã xét chọn, công nhận 100 “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô”. Đồng thời quyết định tặng Bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ TP cho 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo” năm 2024.

Tiết kiệm hằng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp

Trong tổng số 801 sáng kiến gửi về LĐLĐ TP có 736 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 563 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của CNLĐ được áp dụng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm mà còn có ý nghĩa tích cực về mặt an sinh xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn Thủ đô.

Là một trong số 100 người được tặng Bằng sáng kiến, sáng tạo, chị Nguyễn Ngọc Hà - nhân viên Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ, hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do các cấp Công đoàn phát động, Công đoàn Công ty đã phối hợp cùng Ban Giám đốc Công ty triển khai các phong trào thi đua, các hoạt động đào tạo, hướng dẫn nâng cao kiến thức và tay nghề cho CNLĐ trong toàn Công ty.

Với bản thân chị Hà, là nhân viên Phòng Quản lý chi phí trực thuộc bộ phận gián tiếp, trước tình hình khó khăn về nguồn nhân lực lao động cũng như sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế nên chị và các đồng nghiệp luôn trăn trở, mong muốn cải tiến tìm ra những đề án làm việc mới nhằm hỗ trợ khắc phục những khó khăn. Với sự quan tâm, giúp đỡ của ban lãnh đạo Công ty, chị Hà và đồng nghiệp đã tìm hiểu, học hỏi để đưa ra phương thức làm việc mới áp dụng tự động hóa nhằm giảm gánh nặng cho nguồn nhân lực, tăng tính chính xác, giảm thời gian làm việc.

Không chỉ riêng nội bộ Canon Việt Nam mà chị Hà và đồng nghiệp còn kết hợp với phía Tập đoàn sáng tạo những cải tiến về chi phí sản xuất nhằm đưa đến tay khách hàng tiêu dùng những sản phẩm với chất lượng cao nhất với chi phí thấp nhất, nâng cao thị phần máy in Canon Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhờ sự cải tiến này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng, đồng thời cải thiện đáng kể hiệu suất sản xuất.

Chị Nguyễn Ngọc Hà - nhân viên Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ tại hội nghị
Chị Nguyễn Ngọc Hà - nhân viên Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ tại hội nghị

Cùng với chị Hà là anh Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Xuân Hòa Việt Nam. Anh Hiến là không chỉ là cá nhân tiêu biểu trong phong trào sáng kiến mà còn là người dẫn dắt đội ngũ kỹ thuật trong công ty trong việc phát triển tư duy đổi mới và tìm kiếm các giải pháp tối ưu hóa sản xuất.

Trong nhiều năm liền, anh không ngừng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu và phát triển những ý tưởng mới mẻ, giúp công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng thông qua các sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất. Sáng kiến cải tiến khuôn cối sản xuất K các loại trên khuôn dập liên hoàn của anh và cộng sự  đã giúp công ty giảm đáng kể thời gian và chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sáng kiến của anh không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà còn đảm bảo sự ổn định và hiệu quả trong quy trình sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Nguyên (nhân viên xuất sắc của Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industries Việt Nam) đã khẳng định vai trò tiên phong của mình trong phong trào cải tiến tại công ty. Với tinh thần sáng tạo mạnh mẽ, chị Nguyên đã đưa ra những giải pháp cải tiến mang lại lợi ích kinh tế lớn cho doanh nghiệp, giúp tiết kiệm khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi năm.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP Hà Nội trao bằng sáng kiến, sáng tạo cho các cá nhân
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP Hà Nội trao bằng sáng kiến, sáng tạo cho các cá nhân

Một trong những sáng kiến nổi bật của chị là cải tiến phần mềm link kế hoạch, tổng kết và phát hàng tự động. Giải pháp này đã giúp loại bỏ hoàn toàn các thao tác thủ công trước đây, giảm thiểu thời gian thao tác từ 1 giờ 45 phút mỗi ngày xuống chỉ còn 15 phút. Việc tự động hóa quá trình này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí in ấn và giấy mà còn giúp tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý và phân phối sản phẩm.

Ngoài ra, chị Nguyên cũng đã thành công trong việc cải tiến phần mềm U-Wavepak đo khuôn và jig lưu dữ liệu tự động. Trước đây, quá trình đo khuôn và jig phụ thuộc vào thước kẹp và ghi chép thủ công, dẫn đến nguy cơ sai sót và chậm trễ trong đánh giá chất lượng. Nhờ sáng kiến này, việc đo đạc được thực hiện tự động và chính xác hơn, đồng thời hệ thống còn cảnh báo nếu số liệu nằm ngoài tiêu chuẩn, giúp tăng cường độ chính xác và tốc độ xử lý...

 

"Những sáng kiến cải tiến từ người lao động đã và đang đóng góp tích cực vào việc tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, giúp họ vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước" - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Lê Đình Hùng nhận định.