Nhiều phát hiện mới
Một nghiên cứu mới bởi nhóm các nhà khoa học tại Đại học Hong Kong đã phát hiện ra rằng biến thể Omicron có thể nhân lên nhanh hơn 70 lần trong phế quản người so với biến thể Delta hoặc chủng virus SARS-CoV-2 gốc. Điều này được cho là có thể giúp giải thích sự lây nhiễm nhanh chóng của biến chủng Omicron hiện nay.Dữ liệu ban đầu - được công bố trực tuyến - đến từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm sử dụng mẫu mô phổi lấy từ các bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Kết quả cho thấy, trong 24 giờ, biến chủng Omicron đã nhân lên nhanh hơn khoảng 70 lần so với biến chủng Delta và chủng virus gốc. Nghiên cứu cũng phát hiện biến chủng mới phát triển chậm hơn 10 lần trong mô phổi, và theo các tác giả nghiên cứu, đó có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp hơn.Ông Michael Chan Chi-wa, người đứng nghiên cứu, cho biết kết quả mới cần được diễn giải một cách thận trọng vì bệnh nặng không chỉ được xác định từ tốc độ tái tạo của virus mà còn từ phản ứng miễn dịch của một người và đặc biệt là liệu hệ miễn dịch có phản ứng quá mức hay không - điều có gây ra hiện tượng gọi là “bão cytokine”.
Một nhân viên dịch tễ chuẩn bị giải trình tự các mẫu Covid-19 Omicron tại Trung tâm Nghiên cứu Ndlovu ở Elandsdoorn, Nam Phi, ngày 8/12/2021. Ảnh: AP |
“Cần lưu ý rằng bằng cách lây nhiễm cho nhiều người hơn, một loại virus dễ lây nhiễm có thể gây ra bệnh nặng và tử vong cao hơn mặc dù bản thân virus có thể ít gây bệnh hơn” - ông Michael nói. “Do đó, kết hợp với các nghiên cứu gần đây của chúng tôi, có thể thấy rằng biến chủng Omicron có thể thoát khỏi một phần khả năng miễn dịch từ vaccine và người từng nhiễm bệnh, mối đe dọa chung từ biến chủng Omicron có thể rất đáng lưu tâm”.Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần, phát ra ngày 15/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bằng chứng ban đầu cho thấy các loại vaccine hiện nay có thể kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron và biến thể này cũng có nguy cơ gây tái nhiễm cao hơn. Vì vậy, WHO đánh giá rủi ro tổng thể từ biến thể mới Omicron “vẫn còn rất cao”. Tuy nhiên, WHO cho rằng cần thêm dữ liệu để đánh giá rõ hơn về mức độ biến thể Omicron có thể lẩn tránh hệ miễn dịch của người đã tiêm vaccine hay từng nhiễm virus.WHO khẳng định, Delta hiện vẫn là biến thể chủ đạo, chiếm 99,2% trong gần 880.000 trình tự gene được cập nhật lên cơ sở dữ liệu khoa học toàn cầu (GISAID) với các mẫu thu được trong vòng 60 ngày qua. Mặc dù vậy, xu hướng này đang giảm xét về tỷ lệ của các biến thể Alpha, Beta và Gamma, và với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Tổng cộng khoảng 3.775 mẫu, tương đương 0,4%, là biến thể Omicron, trong khi 3 biến thể đáng lo ngại khác chiếm gần 0,1% mỗi loại.Đáng chú ý, phát biểu trước Ủy ban Khoa học và Công nghệ Hạ viện Mỹ hôm 14/12, Giám đốc Y tế của hãng dược Moderna, Paul Burton, cảnh báo rằng sự kết hợp giữa Delta và Omicron ở một người nhiễm cả hai biến thể cùng lúc có thể sẽ tạo ra một biến thể mới nguy hiểm hơn. “Với tình hình hiện tại, khi biến thể Omicron lây lan quá nhanh và số ca nhiễm biến thể Delta vẫn còn rất cao, thì chúng ta thực sự phải tính đến khả năng này, ông Burton nhận định.Trước đó, từng có nhiều chuyên gia khác đưa ra cảnh báo tương tự về nguy cơ kết hợp giữa Delta và Omicron. Aleksandr Semyonov - người đứng đầu chi nhánh Ekaterinburg của Viện Dịch tễ học Vector (Nga) cũng cho biết có khả năng một người nhiễm hai biến thể cùng một lúc. Tuy nhiên, “đây là một hiện tượng khá hiếm gặp” - ông Semyonov nói thêm với hãng tin RIA. Đến thời điểm hiện tại, thế giới chưa ghi nhận bất cứ đợt bùng phát lớn nào liên quan đến sự kết hợp của 2 biến thể cùng lúc, ngoài một số trường hợp nhỏ lẻ. Chẳng hạn, hồi tháng 3 năm nay, Bỉ ghi nhận một cụ bà 90 tuổi chưa tiêm phòng đã qua đời sau khi nhiễm cùng lúc hai biến thể Alpha và Beta.Dõi theo châu ÂuNhư vậy, một trong số câu hỏi quan trọng về biến thể Omicron còn bỏ ngỏ là mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh mà chủng mới này gây ra. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý rằng không nên đưa ra “kết luận chắc chắn” nào vào thời điểm này.Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu không chờ đợi để tìm hiểu thêm, mà nhanh chóng đã tái áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát - từ hạn chế đi lại và yêu cầu đeo khẩu trang cho đến phong tỏa và yêu cầu tiêm chủng bắt buộc. Những động thái hạn chế bất chấp mùa lễ hội cuối năm diễn ra trong bối cảnh biến chủng Omicron được dự báo có thể vượt qua Delta để trở thành dòng trội ở châu Âu trong khoảng 30 ngày tới.“Dường như số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng gấp đôi cứ sau 2 hoặc 3 ngày. Tốc độ này là rất lớn. Chúng tôi được thông báo rằng vào giữa tháng 1/2022, Omicron có thể là biến chủng thống trị ở châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen nói trước Nghị viện châu Âu hôm 15/12.Trước đó, các nhà khoa học của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM) đã dự đoán rằng Omicron có thể gây ra từ 25.000 - 75.000 ca tử vong ở Vương quốc Anh trong vòng 5 tháng tới nếu không có những hạn chế khắt khe hơn. Anh hôm 15/12 đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục, với 78.610 trường hợp.Tiến sĩ Jenny Harries, Giám đốc Cơ quan An ninh Y tế Anh cho rằng Omicron đang là “mối đe dọa lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay”. Bà Harries cho biết, nhiều nơi tại Anh đã phải thực hiện khoảng 650.000 lượt xét nghiệm PCR mỗi ngày, trong khi nhu cầu về que xét nghiệm nhanh Covid-19 cũng tăng đáng kinh ngạc: Chỉ từ 6 giờ - 8 giờ sáng ngày 15/12, người dân đã đặt mua 200.000 que xét nghiệm nhanh.Trong khi đó, một nhà khoa học hàng đầu khác cảnh báo rằng Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) có thể sẽ bị quá tải vào tháng 1/2021 và sẽ có một số lượng lớn người mắc Covid-19 có thể phải nhập viện. Giáo sư Graham Medley, thành viên của Nhóm cố vấn khoa học về các trường hợp khẩn cấp của Chính phủ, nói: “Nếu số ca nhiễm tiếp tục gia tăng với tốc độ như hiện tại, và lan ra các nhóm tuổi lớn hơn, chúng ta có thể chứng kiến số người nhập viện ngày càng tăng và chắc chắn sẽ trên 1.000 ca, thậm chí là 2.000 ca/ngày”.Theo Wall Street Journal, cách Vương quốc Anh và châu Âu nói chung đối đầu với Omicron có thể mang lại những đầu mối quan trọng cho các nước về cách thức biến chủng mới hoạt động ở một nước có tỷ lệ dân số tiêm chủng cao. Nam Phi là quốc gia đầu tiên cảnh báo thế giới về Omicron vào cuối tháng 11 và đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm biến chủng mới không quá nặng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng những gì đang xảy ra ở Nam Phi có thể không phải là một mô hình phản ánh chính xác viễn cảnh có thể xảy ra với Omicron ở những nơi khác, vì tỷ lệ tiêm chủng ở Nam Phi thấp hơn, dân số trẻ hơn và biến chủng này không cạnh tranh với một số lượng lớn các ca nhiễm biến chủng Delta.q
"Dường như số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng gấp đôi cứ sau 2 hoặc 3 ngày. Tốc độ này là rất lớn. Chúng tôi được thông báo rằng vào giữa tháng 1/2022, Omicron có thể là biến chủng thống trị ở châu Âu"- Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen |