Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp đấu giá băng tần 2,6 GHz cho 4G

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ 4G trên nền băng tần của mạng 2G là 1800MHz nên Bộ TT&TT đang lấy ý kiến đấu giá quyền sử dụng băng tần 2,6GHz.

Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết đang chuẩn bị các thủ tục để đấu giá băng tần 2,6 GHz. Bên cạnh yêu cầu về năng lực tài chính của DN phải đảm bảo để thanh toán các khoản trước và sau khi đấu giá, Cục Tần số vô tuyến điện dự kiến đưa ra một số điều kiện về yêu cầu triển khai mạng lưới sau khi trúng đấu giá.
Ảnh minh họa
Cụ thể, các DN trúng đấu giá phải triển khai mạng lưới trong 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2.6 GHz. Và đây sẽ là một điều kiện được quy định trong giấy phép sử dụng tần số. DN vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số.
Cơ quan quản lý cũng dự kiến đưa ra những yêu cầu cụ thể về số lượng trạm đối với DN trúng đấu giá. Theo đó, với các DN đã có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất phải cam kết triển khai ít nhất 5.000 trạm eNodeB trên băng tần 2,6 GHz trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng.
Đối với DN chưa có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động phải cam kết chỉ được phép cung cấp dịch vụ viễn thông sau khi đã triển khai ít nhất 50% cam kết triển khai mạng lưới. Trong đó, DN có thể đề xuất một trong 2 phương án.
Phương án 1, DN phải cam kết tại thời điểm 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2.6 GHz có vùng cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ 4G trên tất cả các quận, thị xã, TP trực thuộc tỉnh và đạt tối thiểu 75% tổng dân số của các quận, thị xã, TP trực thuộc tỉnh.
Phương án 2 là cam kết tại thời điểm 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2,6 GHz triển khai dịch vụ sử dụng công nghệ 4G trên tất cả các quận, thị xã, TP trực thuộc tỉnh và đạt tối thiểu 8.500 trạm eNodeB.
Với quy định dành cho doanh nghiệp chưa có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động tham gia đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G, như vậy có thể hiểu ngoài những DN viễn thông có giấy phép thiết lập mạng di động mặt đất hiện nay, các DN mới đều có thể tham gia đấu giá băng tần 2.6 GHz cho mạng di động 4G miễn là đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan quản lý.
Hiện tại, các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động trên thị trường như Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gmobile, Vietnamobile đều là những DN đã có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất.