Sáp nhập 3 ban chỉ đạo - bước đột phá của Hà Nội
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sáp nhập 3 ban chỉ đạo: cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 về "phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" làm một. Trong đó, phân công Chủ tịch UBND TP làm Trưởng Ban; 1 Phó Chủ tịch UBND TP làm Phó Trưởng Ban; giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã là thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời, thành lập 1 Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo do Văn phòng UBND TP Hà Nội là cơ quan thường trực và 1 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo. Ở cấp cơ sở, thành phố đã hợp nhất hơn 5.024 tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Việc thành lập 1 ban chỉ đạo duy nhất được đánh giá là bước đột phá của Hà Nội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thể hiện “tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”; khẳng định quyết tâm cao, sự thống nhất trong nhận thức, trong hành động của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ.
Sau một thời gian ngắn triển khai, toàn bộ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã đã hoàn thành việc sáp nhập, các ban chỉ đạo sau khi hợp nhất, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ đã đi vào hoạt động mạnh mẽ, thực chất. Công tác điều hành, chỉ đạo tập trung và xuyên suốt; các cuộc họp được tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đổi mới về hình thức. Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc tương tác trao đổi qua các ứng dụng nền tảng mạng xã hội; đặc biệt ngày 28/6/2024, Hà Nội triển khai ứng dụng iHaNoi - ứng dụng mang bản sắc Hà Nội, có chức năng trao đổi thông tin nội bộ đã hỗ trợ Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội hoạt động hiệu quả hơn.
Nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên được rà soát, phân công, phân nhiệm rõ ràng, không trùng lặp, chồng chéo; phân định rõ ràng, công khai, minh bạch trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; không còn hiện tượng bỏ sót, khó kiểm soát nhiệm vụ. Công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ nhịp nhàng, hiệu quả; tất các các nhiệm vụ gấp, khó được chia sẻ, bàn bạc và thống nhất về các phương án, giải pháp, cách thức để đạt hiệu quả tối đa; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
“Đi tắt, đón đầu”, phát triển Thủ đô “văn minh, văn hiến, hiện đại”
Từ kết quả nêu trên, Hà Nội đúc rút một số kinh nghiệm, tháo gỡ “điểm nghẽn” trong đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.
Trước hết, đó là sự quan tâm, chỉ đạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Xác định các nhiệm vụ mới, trong giai đoạn mới cần có nhưng cơ chế, cách làm và phương pháp mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, việc bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như kịp thời báo cáo, xin ý kiến, hướng dẫn của các bộ, ngành và Tổ công tác Đề án 06/CP là điều kiện tiên quyết để Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đó là bài học kinh nghiệm về nhận thức trong hành động của cả hệ thống chính trị thành phố từ người đứng đầu đến công chức, viên chức cơ sở và các tầng lớp quần chúng Nhân dân trên địa bàn. Xác định cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, cơ hội để Hà Nội có thể “đi tắt, đón đầu” trong phát triển Thủ đô “văn minh, văn hiến, hiện đại”.
Ngoài ra, đó là bài học kinh nghiệm về nhận diện chính xác các tồn tại, nguy cơ, xử lý kịp thời “điểm nghẽn”. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần thường xuyên, liên tục đánh giá, nhận diện và nâng cao khả năng dự báo nguy cơ; kịp thời phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục triệt để...