Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp triển khai đường bay thẳng Hà Nội-Tel Aviv 

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Việt Nam cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ từ 15/8, đặc biệt là các đối tác có FTA, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại Việt Nam - Israel , Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Bước tiến nổi bật

“Cuối tháng 9, đầu tháng 10, đường bay thẳng giữa Hà Nội và Tel Aviv của Vietjet kết nối hai nước sẽ được thiết lập,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế và Giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Israel sáng nay (16/8).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế và Giao thương Doanh nghiệp Việt Nam - Israel. 
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế và Giao thương Doanh nghiệp Việt Nam - Israel. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Israel là đối tác quan trọng của Việt Nam với sự phát triển kỳ diệu, có trình độ khoa học kỹ thuật cao, phát triển ứng dụng công nghệ phục vụ trực tiếp các ngành sản xuất. Trong khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực.

Những thành tựu đạt được của hai nền kinh tế tạo nền tảng thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Israel. Ông cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Israel nghiên cứu, sớm có các dự án đầu tư mới vào Việt Nam, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử, công nghệ tiêu dùng, thực phẩm... 

Việc tăng cường hợp tác thương mại song phương hai nước đã được thúc đẩy thời gian qua. Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau, giúp hai bên đa dạng hóa chuỗi ngành hàng. Trong nỗ lực đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam - Israel năm 2020 đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không giữa hai nước, bao gồm dự định mở đường bay thẳng. 

Về thông tin này, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat nhận định việc thiết lập đường bay thẳng giữa hai bên là cột mốc rất quan trọng.

Việc tạo hành lang kết nối thuận lợi sẽ giúp nhiều sản phẩm của Việt Nam tiếp cận nhanh chóng với thị trường Israel; mặt khác, công nghệ của Israel sẽ dễ dàng tiếp cận Việt Nam. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp hai bên cũng đánh giá đây là bước tiến khả quan. “Đây là thông tin thuận lợi, giúp việc chuyển giao công nghệ về y tế, dinh dưỡng Israel sang đây, đồng thời cũng tạo điều kiện cho chúng tôi gửi các kĩ thuật viên của doanh nghiệp chúng tôi sang Israel học hỏi kinh nghiệm”, ông Vijay Kumar Pandey - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP sữa TH khẳng định. 

Israel – Việt Nam có lợi thế bổ sung cho nhau

Bộ trưởng Nir Barkat bày tỏ sự ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam trong chuyến thăm lần này, đồng thời khẳng định hai bên có nhiều lợi thế và điểm tương đồng để cùng thúc đẩy hợp tác. 

Bộ trưởng Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat. 
Bộ trưởng Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat. 

"Qua 30 năm hợp tác, hai bên đã hiểu nhau hơn những điểm tương đồng và cả khác biệt,” Bộ trưởng Nir Barkat nói. 

Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel vào tháng trước là minh chứng cho điều đó, góp phần mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước và đường bay thẳng sẽ tăng thêm bước tiến trong phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, theo ông Nir Barkat. Đồng thời, việc áp dụng visa điện tử cho các quốc gia trong đó có Israel là những cơ hội tuyệt vời để phát triển hợp tác.

"Công nghệ Israel sắp đến với Việt Nam nhanh hơn,” theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế & Công nghiệp Israel. 

Với kinh nghiệm 15 năm trong ngành công nghệ cao trước khi đến với cương vị hiện nay, Bộ trưởng Nir Barkat chia sẻ, Israel đang tập trung vào 7 nhóm ngành có thế mạnh để đầu tư là: công nghệ cao; an ninh nội địa; ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất; y tế và các lĩnh vực đời sống; lĩnh vực công nghệ sa mạc, nông nghiệp, thực phẩm; du lịch ứng dụng công nghệ cao.

Đối với Israel, Việt Nam là thị trường tiềm năng không chỉ vì tốc độ tăng trưởng nhanh ấn tượng, mà còn là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận những thị trường như ASEAN cũng như các nền kinh tế trên thế giới.

Với lợi thế trong phát triển đổi mới sáng tạo, ông Nir Barkat đề xuất Israel sẽ cung cấp công nghệ, về phía Việt Nam thực hiện các hoạt động như marketing, bán hàng.

Nhân đây, Bộ trưởng Nir Barkat cũng chia sẻ với phía Bộ Công Thương Việt Nam về việc thành lập quỹ phối hợp liên Chính phủ, trong đó ngân sách từ Chính phủ hai bên sẽ được sử dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp và liên doanh. Israel đã triển khai các mô hình tương tự với Canada, Mỹ, Bộ trưởng Nir Barkat thông tin. 

Theo ông, trong thời gian tới, Israel sẽ tích cực mở cửa thị trường đối với hàng hóa đạt tiêu chuẩn châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh FTA với Việt Nam được ký kết.