Thông tin về hoạt động của Bộ Nội vụ thời gian tới, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho hay: Bộ sẽ tham mưu sửa 6 dự án Luật và 26 nghị định có liên quan đến Nghị quyết T.Ư 6, T.Ư 7 khóa XII; trình xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ 50% tiêu chí theo Nghị quyết 1121/2016/UBTVQH13 và Kế hoạch 07 ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị từ nay đến 2021; sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết T.Ư 6.
Trong đó, về Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ông Vũ Đăng Minh nêu rõ: Đây là vấn đề rất lớn, cần có những bước đi thận trọng, tránh xáo trộn, trên tinh thần đổi mới sắp xếp nhưng phải bảo đảm tính ổn định, phát triển của chính quyền địa phương và KT-XH. Bộ đang xin ý kiến của Ban Cán sự Đảng, Chính phủ; trong tháng 9/2018 xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong tháng 10/2018 sẽ báo cáo Bộ Chính trị, với tinh thần thực hiện rất quyết liệt.Về sắp xếp thôn, tổ dân phố, tinh thần là hướng tới khoán chi về cho thôn, tổ dân phố để cải thiện thu nhập cho các cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn. Trong đó, khảo sát cho thấy sẽ phải sửa đổi Thông tư 09, Thông tư 04 về tiêu chí sắp xếp thôn, tổ dân phố để đảm bảo thuận lợi cho các địa phương trong sắp xếp tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương.Trước câu hỏi liệu khi thực hiện đề án này tại các địa phương có xảy ra tình trạng chạy chức chạy quyền, tiêu chí khi sáp nhập, lựa chọn người đứng đầu…, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng khẳng định: Tổ soạn thảo đề án đã đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện sắp xếp; sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ công chức và người hưởng lương, hưởng phụ cấp từ NSNN, trong đó chú trọng đánh giá phân loại để lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực ở vị trí công tác mới. Đồng thời, chính quyền địa phương các cấp phải chủ động tạo thuận lợi cho Nhân dân khi làm các thủ tục chuyển đổi giấy tờ, thu phí, lệ phí…; tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát liên quan hiện sắp xếp… “Theo nhiệm vụ phân cấp của từng cấp chính quyền, nếu thực hiện tốt 10 giải pháp này thì việc triển khai đề án sẽ đạt kết quả tốt”, ông Hùng nhận định.Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng: Bên cạnh 2 tiêu chí về dân số, diện tích tự nhiên, dự thảo đề án cần tiếp thu các ý kiến để lượng hóa một số tiêu chí khác, như văn hóa đặc trưng các địa phương. Về chọn người đứng đầu đơn vị sau sáp nhập, sẽ theo quy trình rõ ràng cụ thể tại các ban thường vụ thành ủy/tỉnh ủy, song tổ soạn thảo nên có kênh tiếp nhận ý kiến chính thống để có giải pháp kỹ càng hơn, trong đó phải lượng hóa được, để bất kỳ trường hợp nào xảy ra đều phải có cách xử lý. “Một đồng chí đang làm lãnh đạo nhưng sau sáp nhập không làm lãnh đạo nữa thì sắp xếp thế nào, thời gian, có độ trễ ra sao…, cần có hướng dẫn cụ thể”, Thứ trưởng nêu rõ.
Bà Đào Thị Hồng Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế thông tin tại buổi họp báo |