Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp để phát triển

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những nguyên tắc, khung pháp lý, quy định cụ thể cho việc sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số ở giai đoạn 2019 - 2021 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cụ thể hóa bằng một Nghị quyết. Đây là bước khởi đầu cho một công việc quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, nhưng lại cần thiết.

Dựa trên tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, như tính toán được đưa ra, ngay trong năm 2019, sẽ cơ bản hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp 16 quận, huyện và 631 phường, xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số.
Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp có lẽ không phải là câu chuyện mới. Nhưng một con số đáng suy ngẫm đã được đưa ra là trong vòng 30 năm, số đơn vị hành chính cấp huyện đã tăng từ 431 lên 713; cấp xã cũng tăng thêm 1.505 đơn vị.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Số đơn vị tăng thêm, đồng nghĩa với ngân sách cũng thêm gánh nặng cho xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc và chi thường xuyên. Chưa kể đến việc, nhiều địa bàn dù diện tích rộng, nhưng dân số lại quá ít, vẫn phải có đầy đủ bộ máy, hệ thống hạ tầng an sinh mà nhiều khi “không dùng hết”, dẫn đến lãng phí.
Ngược lại, lại có những địa bàn hiện nay do sự phát triển ồ ạt của chung cư cao tầng, dẫn đến dân số phát triển chóng mặt, nhưng diện tích hạ tầng lại chưa thể gánh nổi, chuyện thiếu trường, thiếu lớp… đang là hệ lụy.
Hơn nữa, số đơn vị hành chính chỉ lớn về số lượng, nhưng không đủ tiêu chuẩn cũng gây ra những khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, làm cho không gian bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực.
Do lịch sử để lại, thực tế cũng có không ít những địa bàn, cùng một khu đất, cùng một tòa nhà nhưng mỗi góc lại chịu sự quản lý của một đơn vị hành chính, gây khó trong quản lý.
Mục đích của việc sắp xếp, sáp nhập lần này được kỳ vọng là nhằm khắc phục các hạn chế phát sinh từ thực tiễn, để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, cũng để tập trung nguồn lực, khuyến khích tăng quy mô ở những nơi đủ điều kiện. “Sắp xếp để phát triển chứ không phải sắp xếp để yếu đi hay gây khó khăn hơn” như Chính phủ đã khẳng định.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định, sắp xếp, sáp nhập các huyện, xã là một việc quan trọng, phức tạp, cần những lộ trình bước đi phù hợp, không phải là bài toán cơ học máy móc.
Bởi thế, Nghị quyết lần này ngoài quy định về chế độ sắp xếp, kiện toàn bộ máy, chính sách…, cũng đã nhấn mạnh đến những yếu tố đặc thù - vốn là vấn đề gây tranh luận nhiều khi bài toán sắp xếp đơn vị hành chính được đặt ra.
Như vậy, có thể nói việc sắp xếp, sáp nhập theo quan điểm là phải thực hiện đúng tiêu chuẩn song cũng đảm bảo tính linh hoạt cho từng địa phương khi tính đến đặc điểm địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội…
Việc sắp xếp, sáp nhập là yêu cầu khách quan trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, dù đã có những nguyên tắc cụ thể và “dự liệu” những vấn đề phát sinh, kể cả việc "tranh thủ bổ nhiệm cán bộ", nhưng cũng cần tính được hết các yếu tố thực tiễn và đảm bảo tính ổn định, lâu dài, không thể thực hiện kiểu khắc nhập - khắc xuất tùy theo chủ quan.
Đặc biệt, sáp nhập hay chia tách cũng cần chú trọng tới quy hoạch các vùng liên kết giữa các đơn vị hành chính, thể hiện rõ xu hướng hợp tác, thay vì xu hướng chia tách hay sáp nhập cơ hữu. Đó là vấn đề nhiều người đặt ra.