Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau Canada, Mỹ cũng điều tra nguyên nhân vụ nổ tàu lặn Titan

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các sĩ quan lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết, ưu tiên hàng đầu của họ hiện nay là thu hồi những mảnh vỡ tàu lặn Titan ở khu vực gần tàu Titanic bị đắm.

Tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate
Tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate

Reuters đưa tin lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đang điều tra nguyên nhân vụ nổ dưới đáy biển tàu lặn Titan khiến 5 người trên tàu thiệt mạng.

"Mục tiêu chính của chúng tôi là ngăn chặn xảy ra sự cố tương tự bằng cách đưa ra các khuyến nghị cần thiết để đảm bảo an toàn cho lĩnh vực hàng hải trên toàn thế giới,” Đại úy Jason Neubauer, trưởng nhóm điều tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, cho biết.

Theo ông Neubauer, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ mở cuộc điều tra hàng hải vào hôm 23/6 và đang phối hợp chặt chẽ với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trong các hoạt động trục vớt tại khu vực xuất hiện các mảnh vỡ dưới đáy biển cách mũi xác tàu Titanic khoảng 488m.

Ông Neubauer lưu ý thêm những phát hiện trong quá trình điều tra sẽ được chia sẻ với Tổ chức Hàng hải Quốc tế và các tổ chức liên quan khác "để giúp cải thiện khuôn khổ an toàn cho các hoạt động lặn trên toàn thế giới".

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải (TSB) của Canada xác nhận họ đang mở cuộc điều tra về vụ nổ của tàu Titan.

Phát biểu với tờ Globalnews hôm 23/6, Chủ tịch TSB, bà Kathy Fox, khẳng định: "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra phương hướng khắc phục nhằm giảm thiểu nguy cơ tái diễn những sự cố như vậy trong tương lai. Chúng tôi biết mọi người đều muốn có câu trả lời, đặc biệt là gia đình của các nạn nhân và công chúng".

Theo bà Fox, quá trình điều tra toàn diện này có thể kéo dài từ 18 tháng đến 2 năm. TSB sẽ chia sẻ thông tin mà họ thu thập được với các cơ quan khác, như Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, trong phạm vi luật pháp của Canada.

Lực lượng tuần duyên Mỹ ngày 22/6 xác nhận tàu Titan đã bị ép nát dưới đáy biển, 5 người trong khoang thiệt mạng. Các mảnh vỡ được tìm thấy ở khu vực cách mũi xác tàu Titanic 488m.

Cùng ngày, OceanGate, công ty vận hành tàu lặn Titan, tuyên bố rằng không ai còn sống sót trong vụ tàu lặn này nổ dưới lòng Đại Tây Dương, bao gồm người lái tàu kiêm giám đốc điều hành Stockton Rush. Những người còn lại gồm tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding (58 tuổi), doanh nhân Shahzada Dawood (48 tuổi) cùng con trai Suleman (19 tuổi), và nhà hải dương học người Pháp kiêm chuyên gia nổi tiếng về tàu Titanic Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi).

Theo đài CNN, các nhà điều tra cần thu thập mảnh vỡ của tàu ngầm Titan để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vụ nổ thảm khốc do tàu không có "hộp đen" như máy bay.

Ông Ryan Ramsey, cựu chỉ huy tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh, để trả lời câu hỏi tại sao sự cố xảy ra, các nhà chức trách sẽ thu thập nhiều mảnh vỡ nhất có thể của tàu Titan.

"Tàu lặn không có "hộp đen", vì vậy bạn sẽ không thể tìm ra những dấu vết cuối cùng liên quan tới chuyển động của tàu. Nếu có hộp đen, quá trình điều tra sẽ diễn ra như với tai nạn máy bay,” ông Ramsey nói với đài BBC.

Các chuyên gia nhận định, tàu Titan đã bị nghiền nát do áp suất nước khổng lồ ở độ sâu gần 4.000km, khiến các nạn nhân tử vong gần như ngay lập tức, nhưng hiện chưa rõ đây là do trục trặc kỹ thuật của tàu hay thao tác sai của con người.

Các điều tra viên sẽ phải trục vớt các mảnh vỡ từ dưới đáy biển để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng nhiệm vụ này được cho là rất khó khăn và mất nhiều thời gian.