Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

SCIC thu hơn 10.000 tỷ đồng nhờ bán vốn Vinamilk

Theo Vnexpress
Chia sẻ Zalo

Sau khi trừ chi phí của thương vụ bán 9% vốn điều lệ tại Vinamilk, SCIC ghi nhận doanh thu tăng đột biến hơn 10.873 tỷ đồng.

Nhờ bán vốn Vinamilk, SCIC thu hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 vừa được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố, tổng doanh thu của đơn vị này đạt 22.034 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) sau khi trừ các khoản chi phí nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp là 10.873 tỷ đồng. Kết quả này kéo lợi nhuận trước thuế tăng lên mức kỷ lục, đạt 18.971 tỷ đồng.
Dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều tăng gấp đôi năm trước nhưng kết quả này vẫn không hoàn thành kế hoạch đề ra trước đó. Hồi đầu năm, SCIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khoảng 15% so với năm trước.
Đến cuối quý III/2016, sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ thoái vốn tại 10 doanh nghiệp "gà đẻ trứng vàng", Tổng công ty chọn thực hiện đầu tiên tại Vinamilk và công bố quyết định điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng đột biến lên lần lượt là 26.872 tỷ đồng và 24.305 tỷ đồng.
Sau đó không lâu, SCIC thông báo chào bán cạnh tranh 130,6 triệu cổ phần, tương đương 9% vốn điều lệ của Vinamilk với mức giá khởi điểm là 144.00 đồng một cổ phần. Mức giá này được tính toán và ấn định dựa trên căn cứ về định giá đối với cổ phiếu Vinamilk cũng như các giao dịch trung bình trong thời gian 30 phiên, 60 phiên và 90 phiên.
Giữa tháng 12, hai nhà đầu tư thuộc tập đoàn đồ uống Singapore là F&NBev Manufacturing và F&N Dairy Investments của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua 78,378 triệu cổ phiếu, tương đương 60% lượng chào bán. Với giá mua bằng mức khởi điểm, nhà đầu tư nước ngoài ước tính phải chi 11.286 tỷ đồng để sở hữu số lượng cổ phiếu này. Sau phiên đấu giá, sở hữu của SCIC giảm xuống còn 39,33%, tương đương gần 571 triệu cổ phiếu.
Trong năm 2016, SCIC tiến hành giải ngân 1.174 tỷ đồng vào 6 doanh nghiệp bằng hình thức góp vốn đầu tư, mua trái phiếu... Đơn vị này đánh giá, tỷ lệ giải ngân đầu tư năm 2016 chưa cao. Ngoài một số khoản đầu tư hiện hữu và đầu tư tài chính, nhiều dự án khác chưa giải ngân được do một số nguyên nhân như đối tác chưa phê duyệt hoặc thay đổi đối tác, có văn bản của địa phương về việc tạm dừng dự án chờ thu xếp vốn hoặc không đủ điều kiện cấp vốn như kế hoạch...