Còn tình trạng không tuân thủ về kiểm dịch
Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cả nước hiện có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng.
Trung Quốc, Hoa Kỳ, NewZealand và Úc là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt.
Tuy nhiên, ông Đạt cho biết gần đây Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Nhiều nông sản có dư lượng hóa chất vượt quá quy định như sầu riêng, chôm chôm, ớt, cũng nhận thông tin phản hồi không tốt từ các thị trường Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu.
Trách nhiệm của 3 bên
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Chỉ đạo tại Hội nghị tăng cường công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu tổ chức ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đề nghị 3 bên gồm Cục Bảo vệ thực vật, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cùng phải có trách nhiệm vào cuộc.
Hiện nay, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm.
Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hàng hóa; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về mã số của các thị trường.
Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) liên quan đến việc cấp, quản lý và sử dụng mã số, kiểm dịch thực vật, kiểm soát an toàn hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng xuất khẩu.
Đối với các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị cần xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số.
Tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng – cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm hiểu và tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu. Thường xuyên truy cập website http://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn để cập nhật các thông tin, quy định mới của nước nhập khẩu.
Bên cạnh duy trì và cải tiến điều kiện sản xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong quá trình sản xuất và công nghệ sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.