Mới đây, Bộ NN&PTNT và Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) đã lần đầu giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dõi xuất xứ và "dấu chân" carbon trên trái thanh long, triển khai thí điểm tại Bình Thuận.
Hệ thống này giúp người tiêu dùng trong nước và các nước nhập khẩu khi mua trái thanh long được trồng tại Bình Thuận có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc. Từ đó biết rõ lượng khí carbon trong từng công đoạn sản xuất, cũng như mức độ thực hành xanh hoặc thân thiện với môi trường của loại trái cây này.
Bên cạnh tự động đo lường phát thải khí carbon, cho phép theo dõi và thống kê "dấu chân" carbon theo thời gian thực, trong hệ thống này, các thiết bị công nghệ được lắp đặt còn giúp phân tích để đưa ra những giải pháp phù hợp, hướng tới giảm phát thải carbon trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho trái thanh long Bình Thuận khi xuất khẩu, bởi hiện nay nhiều thị trường giá trị cao, có đòi hỏi yêu cầu về sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn xanh. Họ cũng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm nông nghiệp tuân thủ những chuẩn mực xanh.
Rõ ràng, việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon trên những trái thanh long nói riêng, hay nói rộng hơn là chuyển đổi số trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu khách quan, giúp cho người nông dân, DN sản xuất nông sản chất lượng cao với chi phí thấp nhất nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Điều này còn góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26).
Tuy nhiên, đây chỉ là những bước khởi đầu trên chặng đường còn nhiều gian nan, thách thức của chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững của Việt Nam. Thực tế, thanh long mới là nông sản thứ hai (sau con tôm) áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dõi xuất xứ và "dấu chân" carbon, trong khi nông sản Việt Nam thì nhiều không đếm xuể. Đặc biệt, Việt Nam lại là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.
Một trong những thách thức đặt ra hiện nay là nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của chủ thể sản xuất, nhất là người nông dân còn hạn chế. Thêm vào đó, diện tích canh tác, nuôi trồng còn nhỏ lẻ, trong khi nhiều tổ chức, DN cũng chưa mạnh dạn đầu tư khoa học - công nghệ vào nông nghiệp… Chính vì vậy, để có thể từng bước phổ cập hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dõi xuất xứ và "dấu chân" carbon, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chủ thể sản xuất, nhất là những người nông dân một cách sát sườn hơn nữa trong đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cũng cần tham gia tích cực, chủ động vào công cuộc chuyển đổi số, cụ thể hoá chủ trương, đề án chuyển đổi số của ngành NN&PTNT phù hợp với thực tiễn của địa phương. Cùng với đẩy mạnh phát triển, mở rộng quy mô ứng dụng chuyển đổi số, triển khai đồng bộ giữa các vùng miền, địa phương, nên chăng Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu, xây dựng một tiêu chuẩn xanh cho nông sản để thực hành sản xuất, hướng đến phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam.