Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết cơ chế, bịt khoảng trống

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là những vấn đề vẫn luôn thời sự không chỉ bởi những vụ án, mà còn bởi quyết tâm của các cấp, ngành.

Nhiều quy định mới để bịt những khoảng trống về cơ chế kiểm soát, giải pháp đột phá được đưa ra đã và sẽ cùng góp sức để cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn, không vùng cấm, không ngoại lệ.

Cùng với kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, việc nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người có thẩm quyền, hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước bảo đảm khách quan, minh bạch… là vấn đề đang được nhấn mạnh. Bởi thực tế, không ít sai phạm trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua đến từ sự lỏng lẻo trong quản lý, dẫn đến các cá nhân lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 131- QĐ/TW 2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đây là một văn bản rất quan trọng để phòng ngừa và xử lý các vi phạm, bởi khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để sai phạm. Trong khi đó, thời gian qua, không ít những vi phạm xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thậm chí đã phải xử lý hình sự, gây bức xúc trong dư luận.

Với quy định lần này, những cơ chế để phòng ngừa đã được chỉ rõ để bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải gắn với trách nhiệm. Đặc biệt, các nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đã được liệt kê; trách nhiệm cùng từng cấp, từng ngành được chỉ rõ.

Từ đó, sẽ tạo sự minh bạch hơn nữa, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.

Một điểm nhấn nữa được dư luận quan tâm những ngày qua là việc Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành quy định về việc hỗ trợ cho người cung cấp thông tin phản ánh để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TP.

Tổng số tiền người cung cấp thông tin được nhận khi thông tin phục vụ công tác này tối đa 10 triệu đồng/tin. Quy định cũng đưa ra những giải pháp để bảo vệ người cung cấp, trách nhiệm trong bảo đảm tính trung thực, bằng chứng của thông tin. Đây là địa phương đầu tiên đưa ra hình thức này để khuyến khích, động viên người cung cấp thông tin có giá trị, góp phần vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể nói rằng, khi cuộc chiến với “giặc nội xâm” vẫn còn rất cam go, nhiều thách thức, đòi hỏi phải rất kiên trì, không ngừng nghỉ, để quét sạch những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Việc có thêm các quy định để đồng bộ, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, kiểm soát quyền lực; răn đe nghiêm khắc vi phạm.

Từ đó, để cán bộ tránh xa cám dỗ, dẫn đến hư hỏng; đề ra tiêu chí để những người nắm chức vụ quyền hạn biết dừng đến đâu, tự kiểm soát quyền lực của bản thân mình. Đồng thời với đó là phát huy vai trò của người dân trong phát hiện vi phạm, sẽ góp phần bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực"; xây dựng được văn hóa liêm chính, tạo bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.