Liên quan đến vụ hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc, theo thông tin từ Sở Y tế Khánh Hòa, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh viện cho thấy, tác nhân gây bệnh là Salmonella group, chạy phần lớn kháng sinh. Trước đó, tại nhiều trường học ở các địa phương trên cả nước như Hà Tĩnh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cũng ghi nhận các vụ việc mất an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn bán trú, gây lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Theo các chuyên gia y tế, trong các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học, nguyên nhân chủ yếu là chưa tuân thủ đầy đủ quy định về bảo đảm ATTP, trong đó nguyên nhân hàng đầu chính là khâu kiểm soát không tốt nguồn nguyên liệu đầu vào. Đó là thịt, cá, rau củ quả… đã bị nhiễm độc do vi sinh vật. Tiếp đó là quá trình chế biến thực phẩm không được đảm bảo, chính bản thân nhân viên nhà bếp không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ nhưng lại tiếp xúc với thực phẩm chín nên nguy cơ lây truyền vi sinh vật có hại vào thức ăn là rất cao. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm vi sinh vật nằm ở khâu vận chuyển, chia thức ăn từ bếp ra các đĩa, suất ăn nhỏ.
Do đó, với mỗi trường học, việc đầu tiên là kiểm soát thật chặt chẽ nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào mỗi buổi sáng. Nếu qua cảm quan bằng mắt thường, sờ tay ấn vào thấy thực phẩm không đảm bảo thì cần kiên quyết yêu cầu đổi trả ngay lập tức. Bên cạnh đó, việc vệ sinh bếp ăn, các dụng cụ phục vụ bán trú phải được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn tập thể, các trường học cần thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những bất cập, thiếu sót. Mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong giám sát quá trình chế biến, tiếp nhận thực phẩm, giá thành từng bữa ăn của học sinh hàng ngày, thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Nhà trường cũng cần tổ chức kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức vệ sinh ATTP cho nhân viên, bảo mẫu thực hiện công tác cấp dưỡng, ăn uống cho học sinh trong các căng tin, bếp ăn tập thể.
Đối với các cơ quan chức năng, cần tập trung rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, thực hiện bếp ăn một chiều cũng như yếu tố con người, nhất là truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm. Từ đó, hạn chế ngộ độc thực phẩm xảy ra, ngăn ngừa các bệnh lây qua đường thực phẩm.
Trở lại với sự việc tại trường Ischool Nha Trang, nhiều phụ huynh đã bày tỏ nỗi bức xúc, xót xa vì mỗi suất ăn lên tới 70.000 đồng nhưng chất lượng không đảm bảo. Học sinh phản ánh đồ ăn không ngon, nhưng hôm nào có đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP về trường thì các cháu lại được ăn ngon. "Nhà trường và các cơ quan có chức năng có liên quan phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này" - một phụ huynh kiến nghị.
Trong vô vàn nỗi niềm khi đưa trẻ đến trường, các bậc phụ huynh còn thường trực thêm nỗi lo lắng về chất lượng bữa ăn bán trú. Thực tế, câu chuyện chất lượng thực phẩm, vệ sinh ATTP tại bếp ăn bán trú ở các nhà trường lâu nay vẫn được phụ huynh quan tâm, báo chí đề cập nhưng chỉ thực sự nóng lên khi ở nơi này, nơi kia có sự cố, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Và sau mỗi sự cố ấy, các nhà trường, chính quyền địa phương mới cuống cuồng lo "làm chuồng".
Đã đến lúc, mỗi cơ sở giáo dục cần coi việc siết chặt quản lý ATTP trong bếp ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng thường trực, để mỗi bữa ăn của trẻ không chỉ bảo đảm dinh dưỡng, ngon mà còn an toàn.