Ứng xử văn hóa lịch thiệp nơi công cộng là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tràng An. Tuy nhiên, tại Hội thảo quốc gia 65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội, ngày 5/10, TS Đinh Văn Vang – khoa Sư phạm, trường Đại học (ĐH) Thủ đô Hà Nội cho biết: Hiện có một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ Hà Nội với lối sống “dị thường”, lệch chuẩn đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống văn minh của Thủ đô.
Trước đó từ tháng 3 đến tháng 5/2017, TS Vang đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Thanh niên khảo sát những hành vi sai lệch trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ Hà Nội. Cuộc khảo sát được thực hiện với 200 thanh niên (sinh viên, công nhân, nông dân, cán bộ công chức) tuổi từ 18 - 30 trên địa bàn Hà Nội; và phỏng vấn sâu một số cán bộ Đoàn, giáo viên và cán bộ quản lý.
Kết quả cho thấy, 66% giới trẻ Hà Nội không đồng tình về quan niệm “Ở nơi công cộng ta có thể thoải mái nói chuyện, không cần ý tứ, không cần biết người khác thế nào”. Tuy nhiên, lại có 22% giới trẻ là công nhân và 20% giới trẻ là cán bộ công chức đồng tình.
Mặc dù nhiều người trong giới trẻ Hà Nội phản đối nói chuyện ồn ã, mất trật tự nơi công cộng, song khi thấy người khác có hành vi đó họ lại làm ngơ hoặc không quan tâm. Nhiều bạn trẻ cho rằng, góp ý, nhắc nhở... nhiều khi mang vạ vào thân.
Khi được hỏi ý kiến của bản thân về quan niệm: “Đã là bạn bè thân thiết thì nói tục, chửi bậy với nhau nơi công cộng là chuyện bình thường”, có tới 53% giới trẻ Hà Nội không đồng tình. Nhưng, lại có tới 34% cán bộ công chức, 24% công nhân đồng tình với hành vi lệch chuẩn này.
Đáng ngạc nhiên, giới trẻ là nông dân lại thường xuyên nói tục, chửi bậy nơi công cộng nhiều nhất 50%, tiếp đến là công nhân 30%, sinh viên 26%.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra 52% giới trẻ là nông dân, công nhân 48% thường xuyên xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Có khá nhiều người trong giới trẻ Hà Nội không đồng tình với hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm nơi công cộng (56%). Thế nhưng, 28% cán bộ công chức lại đồng tình với hành vi này - nhiều nhất trong 4 nhóm đối tượng được khảo sát.
80% sinh viên và 72% cán bộ công chức khi được hỏi cho biết không có hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm nơi công cộng. Đối tượng thường xuyên ăn mặc hở hang, phản cảm khi ra nơi công cộng nhiều nhất là nông dân chiếm 54%.
58% giới trẻ là nông dân cũng thường xuyên có hành vi không kính trọng người già, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ em nơi công cộng.