Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Song hành lượng và chất

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trước ngày 10/8, các bộ, ngành phải hoàn tất việc ban hành 2 thông tư làm cơ sở thực hiện việc rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức.

 Đó là một dấu mốc, nhưng là một yêu cầu quan trọng vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn, bởi việc xây dựng và ban hành đề án vị trí việc làm đã được các địa phương, đơn vị thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng vẫn còn sự lúng túng, chưa bảo đảm chuẩn cả về số lượng lẫn chuyên môn.

Như các ý kiến đã chỉ ra, xác định vị trí việc làm là nhiệm vụ rất khó và nhạy cảm bởi liên quan trực tiếp tới từng con người, nhưng không thể không làm. Bởi đây chính là cơ sơ quan trọng để minh bạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tiền đề để cải cách chế độ tiền lương và thúc đẩy cải cách hành chính.

Thời gian qua, việc mô tả và đánh giá đúng thực chất tính chất công việc của từng vị trí việc làm, để từ đó cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ trên cơ sở vị trí việc làm còn gặp khó khăn do vẫn thiếu những quy định cụ thể, liên quan hoặc những quy định đã không còn phù hợp.

Như những con số được đưa tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vừa qua, số bộ, ngành chưa ban hành “Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành”, “Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập” vẫn còn khá nhiều; trong khi đây lại là mong mỏi của nhiều cơ quan, đơn vị để có cơ sở triển khai.

Cùng với đó, việc chuyển từ quản lý đội ngũ cán bộ theo hệ thống chức nghiệp sang quản lý trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm… để những con số tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy có ý nghĩa thực tiễn hơn nữa vẫn là yêu cầu đang đặt ra.

Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều vị trí công chức, viên chức bị thừa mà vẫn nhận ngân sách Nhà nước, ngược lại có những nơi lại không đủ vị trí; rồi việc bố trí không đúng vị trí, thiếu khung đánh giá năng lực gắn với vị trí việc làm… cũng dẫn đến sự thiếu minh bạch trong tuyển dụng và sử dụng nhân lực.

Bởi thế, nếu đến cuối năm 2023 có thể cơ bản hoàn thành việc ban hành các đề án vị trí việc làm của các bộ, ngành, địa phương, sẽ là cơ sở cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chế độ tiền lương theo vị trí việc làm.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đi liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và cải cách hành chính. Chỗ thừa phải giảm, còn chỗ thiếu thì phải tăng; xác định theo vị trí việc làm và khối lượng công việc, tránh tình trạng giảm một cách máy móc, chỗ cần lại không được bổ sung.

Bởi tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là đưa một số tỷ lệ nhất định ra khỏi đội ngũ, mà còn là việc thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực theo vị trí việc làm vào trong các cơ quan, tổ chức… qua đó bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ.

Việc có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là giải pháp được lưu tâm, bởi mang lại sự minh bạch, rõ ràng, tránh đi những đòi hỏi nặng về bằng cấp, nhưng lại không giúp ích gì cho nhiều vị trí việc làm cũng như thực tiễn công việc. Đi kèm với đó là kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp... để tạo ra đội ngũ “tinh nhưng gọn”.