Một số cơ sở lưu trú nơi đây cũng dùng vật dụng thân thiện với môi trường này. Điều này tạo ra sự thích thú và thiện cảm nơi du khách nước ngoài.
Báo chí cho biết, riêng một chuỗi cửa hàng phục vụ ăn uống ở sân bay Phú Quốc đã giảm 95% các vật dụng bằng nhựa, mặc dù chi phí cộng thêm vào sản phẩm sẽ cao hơn.
Việc hành xử thân thiện với trường như vậy tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Bởi tất cả những hành động tốt thường được bắt đầu từ những hạt mầm đầu tiên để rồi đơm hoa, kết trái.
Điều một số hàng quán ở Phú Quốc đang làm cũng gợi nhớ về Hội An cách nay nhiều năm. Năm 2009, tại Cù Lao Chàm, chính quyền TP Hội An đã phát động chương trình nói không với túi ni lông nhằm bảo vệ môi trường trên đảo. Người dân địa phương không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày và khách đến tham quan đều không được mang theo túi ni lông khi đặt chân lên đảo. Đến nay, qua gần 15 năm triển khai, Cù Lao Chàm đã thực hiện thành công việc nói không với túi ni lông, bảo tồn được sự đa dạng sinh học biển, trong đó có các rạn san hô.
Như vậy, từ Hội An, rồi mới đây là Phú Quốc, cùng một số nơi khác đang có những động thái thân thiện với môi trường. Điều đáng chú ý là những nơi này bắt đầu sự chuyển biến của mình bằng cách thay đổi sự nhận thức của cư dân địa phương, du khách, người buôn bán cũng như khách tiêu dùng.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của người dân địa phương, trong đó có việc phát triển du lịch xanh.
Trong một hội nghị môi trường gần đây, thống kê từ Bộ TN&MT cho biết, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, DN.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng; riêng hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni lông.
Các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa, như việc khuyến khích tái chế, kéo dài vòng đời sử dụng sản phẩm nhựa; khuyến khích tìm kiếm các vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế…
Cũng đã có nhiều DN, nhóm khởi nghiệp dùng vật liệu xanh từ gỗ, tre nứa, sậy, sen và các loại cỏ cây khác làm vật liệu sản xuất đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức của mọi người về việc hướng tới vật dụng thân thiện môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Những việc làm có hiệu quả ở Hội An, Phú Quốc và ở những nơi khác chưa nhắc đến ở đây cần được nhân rộng. Bài học được rút ra: khi có sự hướng dẫn, động viên của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân, việc hạn chế rác thải nhựa có thể được thực hiện.