Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Xử lý dứt điểm các dự án lớn thua lỗ của Bộ Công thương

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương sẽ thành lập Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng làm Trưởng Ban nhằm xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành.

Lập ban chỉ đạo xử lý dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ
Tuần qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký và ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
 Xơ sợi Đình Vũ, một trong những dự án thua lỗ điển hình của ngành công thương
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị từng đơn vị trong Bộ tập trung rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; khẩn trương xử lý dứt điểm, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện các dự án; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương do Bộ trưởng làm Trưởng Ban để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương. Các Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực liên quan tham gia Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm chỉ đạo, xử lý các vấn đề ở các dự án thuộc lĩnh vực được giao.
Trước đó, tại phiên họp Thường trực Chính phủ hôm 20/12, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Có thể kể ra hàng loạt dự án thua lỗ và kém hiệu quả của ngành công thương như: nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình …
Sabeco khởi động thoái vốn Nhà nước
Tuần qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Sabeco đã thông qua nghị quyết liên quan đến việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. Cụ thể, HĐQT Sabeco đã cho phép tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi để thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án và các thủ tục có liên quan tới thoái vốn, đồng thời sử dụng chính các nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện công tác này.
 
Hiện tại, Nhà nước đang nắm 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco. Nhiều khả năng, trong thời gian tới sẽ có 40% vốn Nhà nước được thoái khỏi Sabeco với giá trị tương đương khoảng 1,8 tỷ USD.
Vào ngày 6/12 vừa qua, cổ phiếu của Sabeco đã chính thức được niêm yết trên sàn HOSE với mã SAB. Nhưng do lượng cung trên thị trường thấp chỉ chiếm khoảng 1% vốn điều lệ khiến giá cổ phiếu SAB bị đẩy lên khá cao, vào ngày 21/12 là 200.800 đồng/cổ phiếu.
Chính vì mức giá cao như vậy, nên nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là rào cản đối với việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục trong 2016
Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/12/2016, cả nước đã có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 16,2% so với năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi giờ có gần 13 doanh nghiệp ra đời, đây là con số kỷ lục chưa từng có trước đây.
 
Cùng với đó, số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, bình quân đạt mức 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới, tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, trong năm, số doanh nghiệp quay trở lại cũng tăng mạnh tới hơn 43% so với 2015 khi đạt mức 26.689 doanh nghiệp.
Về số việc làm, các doanh nghiệp thành lập mới đã giúp tạo ra 1,3 triệu lao động. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với 2015 chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như bất động sản (tăng 83,9%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 52%), giáo dục đào tạo (tăng 43,1%). Ở chiều ngược lại, một số lĩnh vực có số lượng đăng ký mới giảm so với cùng kỳ là nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 26,2%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 15%).
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục là những TP tập trung cơ hội đầu tư kinh doanh của các nước với số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 36.442 và 22.663 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp của 2 TP này chiếm 53,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước.
Doanh nghiệp nhập khẩu Rolls Royce bị truy thu thuế gần 50 tỷ đồng
Mới đây, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã ra quyết định ấn định thuế với hàng hóa nhập khẩu của Công ty cổ phần Ô tô Regal, nhà nhập khẩu Rolls Royce chính hãng tại Việt Nam. Theo đó, số thuế mà doanh nghiệp này bị truy thu lên tới 49,854 tỷ đồng.
 
Ở thời điểm hiện tại, Regal đang có khiếu nại về quyết định truy thu thuế nói trên. Được biết, Regal trở thành đại lý ủy quyền chính thức của thương hiệu Rolls-Royce tại Việt Nam hồi năm 2013 với việc cung cấp xe Phantom, Ghost, Wraith chính hãng cùng các dịch vụ hậu mãi cho những dòng xe này.
Trước đó, trong tháng 11, Cục Hải quan TP.HCM cũng đã ra quyết định ấn định và truy thu thuế với hoạt động nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc của CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô với số tiền hơn 719 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp nhập khẩu 2 dòng xe sang là Landa Rover và Jaguar tại Việt Nam.