Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện trong tuần: Công bố kết luận thanh tra vụ "Sở có 44 lãnh đạo"

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bố kết luận thanh tra vụ "Sở có 44 lãnh đạo"; Sabeco cử người đại diện vốn thay ông Vũ Quang Hải; Thủ tướng tham dự Hội nghị WEF tại Davos... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Sở có 44 lãnh đạo ở Hải Dương: Miễn nhiệm 7 phó phòng

Thanh tra Bộ Nội vụ vừa có thông báo kết luận thanh tra trong vụ việc ở Sở LĐ,TB&XH Hải Dương - nơi có đến 44/46 người làm lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. Theo kết luận, nhìn chung việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng được Sở LĐ,TB&XH Hải Dương thực hiện theo đúng quy định. Đa số các trình tự, thủ tục bổ nhiệm được triển khai trên thực tế, các công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cơ bản đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn.
 Sở Lao động thương binh và xã hội Hải Dương
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số thiếu sót như có 2 công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ phó trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính; một số trường hợp có thời gian làm công chức tại Sở LĐ,TB&XH Hải Dương chưa đảm bảo để đánh giá, nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, khả năng quy tụ nhưng đã được bổ sung quy hoạch và được bổ nhiệm lên cấp phó; một số trình tự bổ nhiệm chưa được thể hiện bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm.

Trong quá trình thanh tra, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hải Dương quyết định cho 7 công chức thôi giữ chức vụ phó trưởng phòng (theo đơn tự nguyện thôi giữ chức vụ của công chức) và một phó trưởng phòng chuyển công tác nên đến ngày 18/11/2016, số lượng phó trưởng phòng của Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hải Dương là 23 người.

Tuy nhiên, hiện nay Phòng Kế hoạch tài chính và Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn có số lượng phó trưởng phòng nhiều hơn mỗi phòng một người so với số lượng đề xuất tại đề án xác định vị trí việc làm.

Trên cơ sở kết luận, Thanh tra Bộ Nội vụ yêu cầu Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hải Dương rà soát về điều kiện tiêu chuẩn các trường hợp được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp phòng, miễn nhiệm chức vụ với các trường hợp không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, thu hồi quyết định bổ nhiệm, sắp xếp, điều chuyển số lượng phó trưởng phòng các phòng chuyên môn, bảo đảm số lượng phù hợp quy định. Chấm dứt việc sử dụng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các phòng ban chuyên môn của Sở.

Sabeco cử người đại diện vốn thay ông Vũ Quang Hải

Ngày 19/1, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, Hội đồng quản trị (HĐQT) tổng công ty đã có nghị quyết thông qua việc cử ông Nguyễn Minh An, Phó Tổng giám đốc Sabeco làm người đại diện quản lý vốn của Sabeco thay ông Vũ Quang Hải.

Ông An cũng được giới thiệu tham gia HĐQT CTCP Bia Sài Gòn - Khánh Hòa theo đề nghị của Chủ tịch HĐQT Sabeco.

Ông Nguyễn Minh An, sinh năm 1973, có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh và cũng là một trong ba nhân sự được đưa về làm Phó Tổng giám đốc Sabeco hồi cuối năm 2014 cùng đợt với ông Vũ Quang Hải nhằm thực hiện tái cấu trúc tổng công ty.
 
Trước đó, ngày 11/1, Bộ Công Thương cho biết, đã có văn bản số 122 nhất trí với nội dung kiến nghị của ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) là không tiếp tục công tác với tư cách cán bộ, công chức của Bộ Công Thương tại Sabeco. Như vậy, ông Hải không còn là cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương cũng xác nhận đã được văn bản của ông Vũ Quang Hải đề nghị xem xét chấp thuận cho tiếp tục làm việc tại Sabeco, nhiệm vụ cụ thể do HĐQT Sabeco phân công.

“Việc ông Hải đề xuất ở lại Sabeco, ông Hải cần báo cáo Ban lãnh đạo Sabeco xem xét quyết định. Việc bố trí công tác đối với ông tại Sabeco phụ thuộc vào nhu cầu nhân lực của Sabeco. Bộ Công Thương đề nghị ông Hải báo cáo Ban lãnh đạo Sabeco xem xét quyết định”, Bộ Công Thương cho biết.

Dự kiến trong tháng 2 tới, Sabeco sẽ tổ chức đại hội bất thường miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT Sabeco của ông Vũ Quang Hải.

Thủ tướng tham dự Hội nghị WEF tại Davos

Chiều 21/1 (giờ Việt Nam), sau chuyến bay 12 tiếng đồng hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 47 (World Economic Forum - WEF) tại Davos, Thụy Sĩ từ ngày 17-21/01/2017 theo lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab.

Đây là chuyến tham dự Hội nghị WEF đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ngay sau khi đến Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu chương trình làm việc khẩn trương với 40 hoạt động nối tiếp nhau, trong đó phát biểu tại 5 phiên thảo luận về các vấn đề toàn cầu, khu vực; tiến hành gặp cấp cao với nguyên thủ, Thủ tướng của 7 nước, người đứng đầu của các tổ chức quốc tế lớn, 22 cuộc tiếp xúc song phương, 2 cuộc đối thoại với các CEO, lãnh đạo các tập đoàn lớn thuộc WEF, gặp gỡ một số hãng thông tấn, báo chí quốc tế hàng đầu.

1. Tại Diễn đàn Hội nghị WEF năm nay với chủ đề “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động”, Thủ tướng đã phát biểu tại các phiên họp toàn thể, đối thoại về các chủ đề chính như “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”, “Triển vọng ASEAN sau chặng đường 50 năm thành lập và phát triển”, “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực”, “Quản trị vững mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, “Bản sắc ngành chế tạo: ASEAN đã trở thành một cộng đồng hay chưa?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nước cần hành động có trách nhiệm đối với duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực; đánh giá cao vai trò của các tổ chức đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, ASEAN trong việc thúc đẩy các lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
 Thủ tướng gặp các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Khẳng định Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại phiên toàn thể về vai trò ASEAN, Thủ tướng Chính phủ nêu bật các thành tựu trên chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, đánh giá cao nguyên tắc đồng thuận và “Phương cách ASEAN” tạo nên bản sắc của ASEAN; cho rằng các nước thành viên cần hợp tác chặt chẽ thực hiện hiệu quả lộ trình Tầm nhìn 2025 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát huy hợp tác nội khối, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác nhằm tạo cơ hội thu hút đầu tư, thương mại vào khu vực; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt về bảo đảm an ninh, gìn giữ hòa bình, hợp tác. Khẳng định Việt Nam đóng góp quan trọng và có trách nhiệm vào củng cố đoàn kết và đồng thuận ASEAN, nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

2. Trong các hoạt động song phương, Thủ tướng đã gặp Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard và lãnh đạo nhiều nước tham dự hội nghị như Thủ tướng Áo Christian Kern, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Hoàng hậu Hà Lan Máxima, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Tại các cuộc gặp gỡ, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp, nhất trí tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.

3. Trong khuôn khổ dự Hội nghị WEF, Thủ tướng có các tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angen Gurria. Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, vì sự thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai. Theo đó, WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của WEF; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu...; nâng cao năng lực thông qua nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của WEF. Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP và mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác.

4. Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng đã gặp gỡ lãnh đạo chủ chốt của 40 tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn thuộc Top 500 tập đoàn lớn nhất thế giới về tài chính và công nghệ như Microsoft, Facebook, Alphabet (Google), Qualcom, Standard Chartered, Prudential, Alibaba, JETRO, Mitsubishi, UPS, Carlyle, Swiss Re… và có 2 cuộc đối thoại chuyên đề với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và tài chính, trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2017 sẽ đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh thuận lợi bằng mức trung bình của 4 nước hàng đầu ASEAN (ASEAN-4). “Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, xử lý tranh chấp…”, Thủ tướng nêu rõ. “Nền tảng thể chế đó phải bảo đảm tính toàn diện, bao trùm, trao cho mọi người dân cơ hội đóng góp vào thành công tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi xứng đáng với thành quả đó”.

Thủ tướng hoan nghênh các tập đoàn nước ngoài đến với Việt Nam cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích và cùng thịnh vượng như bày tỏ mong muốn Tập đoàn Prudential (Anh) mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, triển khai nhiều chương trình, dự án, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bảo hiểm, dịch vụ tài chính ở Việt Nam; ủng hộ Tập đoàn Alphabet-Google (Mỹ) mở văn phòng ở Việt Nam và đề nghị Google hợp tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp, đào tạo nhân lực; đề nghị Tập đoàn Qualcomm tiếp tục mở rộng ứng dụng mạng 4G và 5G ở Việt Nam; đề nghị Swiss Re chia sẻ kinh nghiệm và triển khai thêm các chương trình, dự án hợp tác thiết thực với Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nông nghiệp, nông dân...

Các tập đoàn đều đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, hoan nghênh nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam cũng như mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và nhu cầu như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao…

Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị WEF lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang tới những thông điệp mạnh mẽ về đường lối, định hướng, chính sách và quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020. Khẳng định rõ cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển, tăng cường lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, cũng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động năm Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.

Vụ cháy ở Nha Trang thiêu rụi 78 căn nhà, hơn 400 người không còn nhà để ở

Lúc gần 23 giờ tối 17/1, tại cồn Nhất Trí, thành phố Nha Trang, bùng phát đám cháy tại khu nhà chồ, gặp gió biển thổi mạnh nên lan nhanh ra hàng chục căn nhà. Đến sáng 18/1, thành phố Nha Trang rà soát có khoảng 78 hộ bị cháy hoàn toàn, trên 400 người dân không còn nhà để ở. Sáng 18/1, nhiều người dân sau khi chạy thoát thân khỏi đám cháy đã trở về nơi ở cũ của mình để nhặt nhạnh đồ đạc đã bị thiêu rụi.

Được biết, đa số những ngôi nhà ở cồn Nhất Trí đều được dựng bẵng gỗ và lợp mái tôn nên khi lửa bùng phát đã nhanh chóng lan rộng, thiêu rụi toàn bộ đồ đạc và tài sản trong các ngôi nhà.

Ngay sau vụ cháy, địa phương đã bố trí các hộ dân vào ở tạm trong Ký túc xá, đảm bảo có bếp để bà con sinh hoạt trong dịp Tết.

Tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ mỗi gia đình 33 triệu đồng và 15 kg gạo mỗi nhân khẩu. Đồng thời tiếp tục rà soát, sau Tết sẽ có phương án tái định cư với diện tích mỗi hộ từ 45-60m2, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, xuất khẩu lao động. Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã đăng ký hỗ trợ bà con tổng số hơn 1 tỷ đồng.
 
Hà Nội cung cấp thông tin cập nhật về ô nhiễm không khí

Tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở các đô thị lớn, theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016, thành phố Hà Nội có tới 282 ngày ô nhiễm, tại TP.HCM, số ngày ô nhiễm dù ít hơn, nhưng cũng là 175 ngày.

Hà Nội sẽ cung cấp những thông tin cập nhật về ô nhiễm không khí và cấp độ ô nhiễm cho người dân theo các khu vực của Thủ đô. Thông tin được công bố trên một trang trang web trực tuyến của thành phố. Người dân có thể truy cập thông tin ô nhiễm trên cổng giao tiếp điện tử của thành phố tại địa chỉ https://hanoi.gov.vn.

10 trạm quan trắc vừa được TP Hà Nội xây dựng sẽ cập nhật các số liệu để hiển thị trực quan trên bản đồ giúp người dân dễ dàng theo dõi. Ngoài ra, hệ thống còn đưa ra các khuyến cáo đối với người dân khi chất lượng không khí thay đổi.