Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện tuần qua: Làm rõ, xử lý vụ ông Vũ Huy Hoàng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng; Điều tra vụ khách hàng mất tiền trong tài khoản Agribank; Tỷ giá tăng nhanh do yếu tố tâm lý... là những sự kiện nổi bật được dư luận quan tâm tuần qua.

Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng

Ngày 23/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2. Trong đó, Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.

  Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Quốc hội quyết định dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Chiều 22/11, với 92,69% các đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị dừng thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 25/11/2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện vào kỳ họp thứ 4 năm 2017; Chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường để cung ứng đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực về điện hạt nhân đã, đang đào tạo và cơ sở hạ tầng đã đầu tư; tập trung tuyên truyền, thông tin để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch và triển khai chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Trong thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ ngày 22/11/2016 cho biết, về lý do dừng thực hiện Dự án, công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm. Việc dừng thực hiện Dự án không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Mặt khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Điều tra vụ khách hàng mất tiền trong tài khoản Agribank

Ngày 23/11, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chính thức công bố thông tin về việc khách hàng bị rút tiền trong tài khoản ATM trên website của mình.

 Agribank đã trình báo vụ việc đến Công an thị xã Dĩ An và tỉnh Bình Dương để điều tra, làm sáng tỏ vụ việc.

Theo đó, ngày 22/11/2016, một số báo và trang thông tin điện tử có đưa tin phản ánh khách hàng Nguyễn Thanh Huy bị rút mất 100 triệu đồng trong tài khoản ATM do Agribank phát hành vào khuya ngày 19/11/2016, rạng sáng 20/11/2016. Trước thông tin này, Agribank cho biết, ngày 20/11/2016, sau khi nhận được tin nhắn tự động gửi vào số điện thoại đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking, khách hàng Nguyễn Thanh Huy phát hiện tài khoản tiền gửi mở tại Agribank chi nhánh Gia Định bị trừ số dư 100 triệu đồng (máy điện thoại nhận được 20 tin nhắn báo đã rút tiền thành công, mỗi lần rút 5 triệu đồng).

Ngay sau khi nhận được khiếu nại của khách hàng, Agribank đã khẩn trương rà soát toàn bộ thông tin lịch sử giao dịch thẻ của khách hàng Nguyễn Thanh Huy. Qua kiểm tra, hệ thống thẻ của Agribank ghi nhận thẻ ghi nợ nội địa của khách hàng Nguyễn Thanh Huy đã thực hiện 20 giao dịch rút tiền (mỗi giao dịch 5 triệu đồng) trong khoảng thời gian từ 23:51:01 ngày 19/11/2016 đến 00:10:13 ngày 20/11/2016 tại máy ATM đặt tại số 485 Trần Hưng Đạo, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Trong ngày 22/11/2016, đại diện Agribank chi nhánh Gia Định - nơi khách hàng đăng ký phát hành thẻ đã có buổi làm việc trực tiếp với khách hàng Nguyễn Thanh Huy để phối hợp và thống nhất hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Bước đầu, Agribank đã hướng dẫn khách hàng hoàn thiện các thủ tục khiếu nại để Agribank có cơ sở thực hiện các bước tra soát khiếu nại theo quy định hiện hành của Agribank và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực thẻ.

Hiện, Agribank đã trình báo vụ việc đến Công an thị xã Dĩ An và tỉnh Bình Dương để điều tra, làm sáng tỏ vụ việc. Đồng thời, Agribank đang khẩn trương tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra xác định nguyên nhân. Ngay sau khi có kết quả điều tra, nếu nguyên nhân không liên quan đến khách hàng, Agribank sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền tổn thất cho khách hàng Nguyễn Thanh Huy trong thời gian sớm nhất.

Về vụ việc này, Agribank xin khuyến cáo khách hàng: Về mức độ an toàn bảo mật thông tin khách hàng trên hệ thống thẻ của Agribank, Agribank cam kết và khẳng định thông tin dữ liệu thẻ của khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ của Agribank nói chung và thông tin thẻ của khách hàng Nguyễn Thanh Huy nói riêng đều được mã hóa, đảm bảo an toàn và bảo mật trên hệ thống của Agribank. Hệ thống thẻ hiện nay Agribank đang sử dụng do tổ chức nước ngoài có uy tín cung cấp, đáp ứng chuẩn bảo mật quốc tế (PCI DSS) và đã được các Tổ chức thẻ quốc tế cấp chứng nhận.

Ngoài ra, 100% hệ thống máy ATM của Agribank (2.500 máy ATM) trên toàn quốc đều được trang bị phần cứng và chương trình phần mềm phòng chống sao chép thông tin thẻ. Do vậy, nếu khách hàng làm tốt công tác bảo quản thẻ và bảo mật mã PIN thì hoàn toàn yên tâm khi sử dụng dịch vụ thẻ tại hệ thống ATM thuộc Agribank.

Tỷ giá tăng nhanh do yếu tố tâm lý

Trong những ngày qua, đặc biệt trong những ngày gần đây, tỷ giá giữa VND và đô la Mỹ có sự dịch chuyển khá mạnh. Ngày 24/11, nhiều ngân hàng niêm yết giá USD lên sát 22.800 đồng/USD, trong khi giá USD trên thị trường tự do lên gần 23.000 đồng/USD.

Trước diễn biến trên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, những điễn biến về tỷ giá trên thị trường trong nước trong thời gian vừa qua là dễ hiểu vì từ đầu năm 2016 Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn, tức là cho phép tỷ giá biến động hàng ngày phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ảnh minh họa

“Trên thế giới, đồng đô la Mỹ cũng như các đồng tiền khác biến động khá lớn. Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, về cơ bản cung cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoaị tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đẩy đủ”, Phó Thống đốc cho hay.

Nhận định về thị trường ngoại tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho rằng, tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn, tức là trong mấy ngày qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý và có thể có diễn biến đảo chiều trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối năm, cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn thu từ xuất khẩu, kiều hối chuyển vào dịp cuối năm, giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp... Trong khi đó, cầu ngoại tệ không có áp lực lớn, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ mua trước hạn thường xảy ra khi biến động tăng về tỷ giá không cao.

Điểm nữa là Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay ngoại tệ theo Thông tư 24 đến hết năm 2017 góp phần giảm cầu mua ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài, theo đó tiếp tục hỗ trợ cho thị trường.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường, kể cả việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.