Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017, với chủ đề “Đồng hành cùng DN”. |
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH đề xuất: Ban hành ngay quy chuẩn về an toàn thực phẩm đối với từng sản phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn sản phẩm sữa; giải pháp triển khai chương trình sữa học đường.
Ông Phạm Văn Sơn đại diện DN sản xuất vacine, thuốc thú y, bảo vệ thực vật kiến nghị: Sớm có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vào cuộc tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi; huy động DN vào cuộc xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia về nông nghiệp; có chính sách quy hoạch phát triển chăn nuôi, nông nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân kiến nghị bày tỏ: “Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều, tránh mua quan, bán chức để chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”. Ông kiến nghị tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với DN.
Ông Đệ cũng kiến nghị Chính phủ không cho phép “xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công”, “cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm nữa”; phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ.
"Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay (17/5), mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chia sẻ, các DN yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TP.HCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều.
Thủ tướng cũng cho rằng, mặc dù có được những thành công ban đầu nhưng vẫn nhiều rào cản cho sự phát triển của DN. Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này, những điểm cơ bản các DN, các hiệp hội DN đã nêu ra tại hội nghị này.
Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho DN; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho DN...
Tại hội nghị, gần 1.000 công nhân lao động đại diện cho 150.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội đã được giải đáp những khó khăn, thắc mắc liên quan đến đời sống tinh thần, bảo hiểm, y tế, giáo dục…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trả lời các kiến nghị của công nhân lao động. |
Nhiều kiến nghị của người lao động được gửi đến các sở, ngành liên quan đến các nội dung bảo đảm an toàn giao thông khu công nghiệp Quang Minh và Bắc Thăng Long; xây nhà giá rẻ theo mô hình ở tỉnh Bình Dương, lập trạm y tế ngay tại khu công nghiệp cho người lao động; tạo điều kiện cho công nhân các khu nhà trọ được lắp đồng hồ và trả tiền điện theo giá Nhà nước; nợ đọng bảo hiểm xã hội, chi trả bảo hiểm y tế…
Nhiều công nhân đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo địa phương, tạo điều kiện để công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp - chế xuất được gửi con tại các trường công lập; đồng thời đề nghị TP có giải pháp linh hoạt về thời gian cho công nhân làm chứng minh thư nhân dân, đăng ký tạm trú…
Trao đổi với công nhân lao động và chủ DN về đề nghị các đoàn kiểm tra nên làm việc với DN thì cần thông qua BQL Khu công nghiệp, Chủ tịch UBND TP chia sẻ, ngày 17/5 vừa qua, Thủ tướng có buổi tiếp xúc với DN, sau đó Thủ tướng ra Chỉ thị số 20 quy định, cơ quan thanh tra làm việc tại DN không quá một lần mỗi năm.
“Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ điều này. Tôi cũng chia sẻ điều này với các chủ DN, bản thân tôi có người thân làm DN tư nhân từ năm 1995 nên rất hiểu điều này. Tôi hiểu sâu sắc các đoàn thanh kiểm tra như thế nào, nên hoàn toản ủng hộ chủ trương các đoàn thanh tra chỉ vào DN 1 lần/năm và có sự thông báo trước”, Chủ tịch UBND TP nói.Chủ tịch UBND TP lưu ý, trường hợp có cơ quan vào kiểm tra lần 2, 3, DN có quyền từ chối với lý do “tôi đã có cơ quan vào kiểm tra vấn đề này rồi”. Trừ các trường hợp quản lý thị trường, cảnh sát môi trường phát hiện những vi phạm về an toàn thực phẩm, môi trường... nhưng phải nói rõ.Đối với việc hỗ trợ của TP về điều kiện ở của công nhân như nhà văn hóa, nhà trẻ, khu vui chơi... Chủ tịch UBND TP cho biết “hoàn toàn nhất trí về điều này”.
Hiện nay, TP chưa xây dựng được nhiều nhà ở cho công nhân, hoặc ở Khu công nghiệp Thăng Long dù xây dựng nhà ở nhưng ít công nhân vào ở. Bởi quá trình xây có nhiều bất cập như tiến độ xây chậm, chưa tham khảo nhu cầu của công nhân nên xây phòng quá rộng (10 - 15 người ở), trong khi nhu cầu của công nhân chỉ muốn 1 - 2 người ở; ngoài ra, chất lượng nhà ở thấp. Vừa qua TP đã khắc phục, sửa chữa lại, giảm giá... để tạo điều kiện cho công nhân vào ở.Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm, vừa qua, Hà Nội và Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất, trong đó Tổng liên đoàn dành 700 - 800 tỷ đồng, cùng đồng hành với TP Hà Nội xây dựng những khu nhà ở cho công nhân trên địa bàn TP. TP cũng dành khoản tiền để xây dựng khu nhà ở kèm theo những thiết chế văn hóa, dịch vụ kèm theo để tạo điều kiện sống cho công nhân tốt hơn.
Cũng tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã lần lượt giải đáp thỏa đáng các ý kiến của công nhân lao động. Về các kiến nghị khác của công nhân lao động tại hội nghị, TP tiếp thu và sẽ chỉ đạo các sở ban ngành nhanh chóng giải quyết, khắc phục.
Không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm
Đó là nội dung được nêu trong Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký, ban hành.
Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển DN và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động của Chính phủ. Theo tinh thần đó, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã tích cực thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể, đặc biệt là đổi mới công tác xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho DN.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng DN thấy rằng, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu DN; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể…
Thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là sự phân công giữa các bộ, ngành ở Trung ương và sự phân cấp, ủy quyền giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương chưa rõ ràng. Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra và đặc biệt là Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Không để xảy ra tình trạng kiểm tra quá 1 lần/năm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN. Cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.
Đồng thời, chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định.
Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.
Xử lý đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của mình; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
Tổng Thanh tra Chính phủ phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra theo thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này, thường xuyên thông báo và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.