Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự thận trọng cần thiết

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội vừa quyết định chưa thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 này và chuyển sang xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Với một đạo luật đồ sộ, có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều luật khác nhau, việc phải xem xét một cách thận trọng, thấu đáo là cần thiết. Bởi khi thông qua luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện nay, tạo sự đồng thuận và đi vào cuộc sống.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bị lùi lại. Bởi trước đó Chính phủ từng trình và Quốc hội quyết định đưa Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tuy nhiên sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi xem xét Dự thảo Luật 4 lần, trước khi được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tính đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận lần thứ ba đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy vậy, đến giờ dự luật vẫn còn quá nhiều quan điểm khác nhau mà chưa có phương án tối ưu giải quyết, trong đó còn 14 vấn đề có hai phương án. Các vấn đề lớn như Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; tài chính đất đai; quản lý giá đất... đều vẫn chưa rõ ràng. Như các đại biểu nhận định, cách thiết kế chính sách trong dự luật chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp.

Đất đai là nguồn tài sản công vô cùng lớn, tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước thời gian qua ở một số nơi còn lỏng lẻo nên phát sinh những vướng mắc, trong đó có cả yếu tố bởi quy định pháp lý. Cử tri luôn kỳ vọng về một đạo luật chất lượng, tạo cơ sở pháp lý, khai phóng những điểm nghẽn liên quan đến đất đai, phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và khắc phục những bất cập trong thời gian qua…

Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng của Quốc hội khóa XV, liên quan trực tiếp và gián tiếp đến hơn 100 luật khác nhau. Hồ sơ Dự thảo Luật lên tới gần 1.000 trang; phạm vi tác động lớn, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực đất đai đều có sự tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.

Do đó, bất cứ sự xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, thận trọng nào trong quá trình xây dựng luật, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện đều rất cần thiết. Đây cũng là quan điểm được quán triệt trong công tác xây dựng pháp luật hiện nay, không nóng vội, không vì tiến độ mà “cố” thông qua, để rồi luật ra đời lại sớm phát sinh những vướng mắc, hoặc luật khung, luật ống.

Nhưng cũng bởi tính chất đặc biệt quan trọng, nên việc sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cũng tiếp tục là vấn đề được đặt ra. Hy vọng, khi có thêm thời gian để rà soát thật sự kỹ lưỡng, lấy thêm ý kiến các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà kinh tế, nhà khoa học, sẽ xây dựng luật làm sao khi áp dụng trong thực tế phải tháo gỡ được những "nút thắt", "điểm nghẽn" hiện nay.

Hơn thế nữa, ngay sau khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, dự thảo các nghị định, văn bản hướng dẫn luật cũng cần hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của luật để các chính sách của luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tránh tình trạng luật “chờ” nghị định, nghị định “chờ” thông tư hướng dẫn thi hành... Từ đó tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư và kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.