Sửa đổi Luật Thủ đô: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này sẽ tạo đột phá trong phát triển Thủ đô. Muốn vậy, cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù thực sự vượt trội, có thể triển khai ngay, để phát triển Hà Nội trở thành hình mẫu một đô thị đặc biệt.

Tạo khuôn khổ pháp lý mang tính bao trùm

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện kể từ khi thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Liên quan đến những quy định về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô…, Dự thảo Luật đề xuất trao cho Hà Nội nhiều cơ chế đặc thù. Dự luật bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá hai lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo.

Tại phiên thảo luận tổ vừa qua về Dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội nhất trí cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cơ bản như trong tờ trình của Chính phủ, để xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực như các nghị quyết của Đảng đã yêu cầu.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt. Hai đô thị này đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức vận hành thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc về thể chế.

 

Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất TP quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm; cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Thành phố được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển Vùng Thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình, việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn tỉnh Bắc Giang) bày tỏ mong muốn sự phát triển của Thủ đô sẽ tạo ra động lực lan tỏa cho khu vực và cho cả nước. Muốn vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Thủ đô mà phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước.

Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong Dự thảo Luật. Theo đại biểu, Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông, để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp. Đơn cử như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô.

Trao quyền lớn hơn cho chính quyền Thành phố

Tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô (Chương II) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhất trí với đề xuất quy định trong Dự thảo Luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đồng thời đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho Thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong Dự thảo Luật.

Về số lượng biên chế, theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.

 

Theo số liệu mà Tờ trình Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cung cấp, so với tổng biên chế được giao năm 2015, tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 đã giảm 15,65%; biên chế viên chức (hưởng lương ngân sách nhà nước) được giao năm 2021 giảm 10% so với năm 2015. Biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà còn có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với công chức, viên chức Thành phố rất lớn, đặc biệt đối với công chức. Nếu tính theo số dân/biên chế công chức thì hiện nay ở Hà Nội là: 1.016 người dân/01 công chức (trong khi trung bình tại 63 tỉnh, thành phố hiện nay (tính đến tháng 6/2021) là 686 người dân/01 công chức.

Chính vì vậy, quy định việc phân quyền cho Thành phố được chủ động trong việc quyết định số biên chế tăng thêm sẽ tạo được cơ sở pháp lý cần thiết giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.

Do đó, cần những nội dung quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc cơ quan nào có thẩm quyền quyết định biên chế? Nguồn biên chế dự phòng được lấy từ nguồn nào. Nếu quy định như dự thảo Luật hiện tại là “giao cho HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” chưa rõ ràng, cụ thể.

Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ giúp thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Về nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Thành phố Hà Nội) cũng nhấn mạnh, không giống với nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương khác, chỉ giải quyết những vấn đề quản trị của địa phương, chính quyền Thủ đô phải giải quyết những vấn đề của Thủ đô và cả những vấn đề quốc gia đặt ra với Hà Nội với vai trò, nhiệm vụ là Thủ đô. Do vậy, HĐND Thành phố Hà Nội cần có lực lượng đại biểu đông hơn, chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng phải nhiều hơn và tiêu chuẩn đối với người tham gia ứng cử đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội cũng phải cao hơn so với những địa phương khác.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cùng với việc trao quyền lớn hơn cho chính quyền Thành phố thì nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền thành phố cũng phải cao hơn. Cùng với đó, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng phải cao hơn và dự thảo Luật cũng cần quy định chặt chẽ hơn cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Cùng liên quan đến việc phân quyền, tại Điều 9, Dự thảo Luật quy định, Thường trực HĐND Thành phố được thực hiện giải quyết công việc giữa hai kỳ họp. Đó là quyết định các vấn đề cấp bách trong phòng chống thiên tai; quyết định vốn làm quy hoạch; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới.

Một số ý kiến cho rằng, nên mạnh dạn giao quyền cho Thường trực HĐND Thành phố để thực hiện một số nhiệm vụ khác nữa. Như có thể quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa hay đất rừng để giải quyết một số dự án cần thiết chuyển đổi mục đích sử dụng đất; điều chỉnh chủ trương, quyết định chủ trương đầu tư mới xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa; kể cả kế hoạch đầu tư công cũng có thể giao nhiệm vụ cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất...

Việc rà soát, bổ sung thêm nội dung này nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực phát triển Thủ đô.