Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo hành lang pháp lý phát triển giao thông công cộng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý giúp Thủ đô sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển giao thông công cộng…

Ngày 10/5, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp về cơ chế huy động nguồn lực tài chính, đất đai, đầu tư theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Huy động nguồn lực đầu tư xây mới, hoàn thiện hạ tầng giao thông

Theo đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

Hiện nay, các nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị khác, theo hướng bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật.

 

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, cuối năm 2023 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024.

Tương tự, việc phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm khu vực nội đô lịch sử, hiện tại mới chú trọng phát triển hệ thống giao thông động, đó là các hệ thống tàu điện ngầm, hầm chui… Trong khi nhu cầu của phát triển ở khu vực nội đô lịch sử cần chú trọng phát triển không gian ngầm để phục vụ phát triển giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng, bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan tại khu vực nội đô lịch sử.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải thông tin, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Quy hoạch chung theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg cũng yêu cầu rất lớn về đầu tư xây dựng đường giao thông (đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai đầu tư mới như đường Vành đai 4, 5, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1,2,5, các tuyến đường xuyên tâm).

Trong khi đó, trên thực tế, việc đầu tư phát triển mới các đô thị, đặc biệt là các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái có phạm vi ranh giới liên quan đến địa giới hành chính nhiều nơi, rất cần sự thống nhất trong quy hoạch, thiết kế, đồng bộ về cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, khả năng nhu cầu về vốn phải được đáp ứng nhằm cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống; phát triển nhà ở mới và xây dựng lại chung cư cũ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây mới, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị định hướng giao thông. Song, đây là một thách thức lớn cho ngân sách của Thủ đô.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển giao thông công cộng

Trao đổi tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, mục đích chính của việc ban hành cơ chế đặc thù cho Hà Nội là tạo điều kiện để thành phố tăng tốc phát triển bứt phá, hoàn thành sứ mệnh là đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.

Phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Thái San
Phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Thái San

“Trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), cần cho phép Hà Nội được ủy quyền, phân cấp để chủ động toàn quyền trong việc thực hiện thí điểm 1 dự án đường sắt đô thị thực hiện theo mô hình TOD nhằm chứng minh hiệu quả của mô hình mới này về kinh tế, giá thành và tiến độ thời gian thực hiện dự án, khả năng chủ động nguồn thu của địa phương, không phụ thuộc vào ngân sách trung ương (nguồn ODA) trên cơ sở được phép áp dụng một cơ chế đặc thù riêng cho dự án” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông đề xuất.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải đánh giá cao vai trò của phương pháp hợp tác công - tư. Đồng thời nhận định, vướng mắc về cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội đang lãng phí nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân. “Do đó, Luật Thủ đô sau sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư có thể hỗ trợ cùng vốn ngân sách, nhất là về lĩnh vực công nghiệp đường sắt” - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải tin tưởng.

Liên quan biện pháp gắn kết phát triển dự án TOD, đường sắt đô thị với quy hoạch, chỉnh trang đô thị, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Trần Quang Tuyên nêu quan điểm, khi lập quy hoạch tổng thể, chi tiết trục đường giao thông cần đồng thời xác định vị trí, ranh giới diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, tái định cư tại chỗ, nhà ở, thương mại theo quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch. Việc lấy ý kiến cộng đồng cư dân cũng cần được triển khai bài bản.

Ngoài ra, tại cuộc họp, các ý kiến phát biểu, thảo luận về phát triển không gian ngầm tại Hà Nội, các giải pháp giao thông di chuyển trong đô thị để hạn chế phát thải hay thực trạng trong công tác quản lý, sắp xếp chức năng sử dụng đất. Đồng thời đề xuất cần có thêm các quy định để giải quyết, xử lý đối với các dự án có sử dụng đất còn tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn Hà Nội.