Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội thảo khoa học Chính phủ và chính quyền địa phương, tháng 8/2018. Ảnh: Nguyễn Hương |
Phân cấp, phân quyền cụ thể hơnDự Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Dự Luật bổ sung thẩm quyền quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ khi luật chưa quy định hoặc quy định không còn phù hợp. Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sửa đổi theo hướng, việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về ngân sách. Dự Luật cũng quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện và số lượng Phó Trưởng ban của HĐND, song quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II. Thực tế, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiện không chỉ được thể hiện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mà còn được quy định ở nhiều luật chuyên ngành khác, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch… Do đó giữa một số luật còn quy định chồng chéo về nhiệm vụ giữa các cơ quan, bộ, ngành và giữa bộ, ngành với chính quyền địa phương. Cùng với đó, trong các quy định hiện hành, có một số nội dung phân cấp nhưng không đi kèm với phân quyền, chưa tạo sự chủ động cho địa phương.Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong Dự Luật lần này sẽ giải quyết vấn đề bất cập mới phân cấp quản lý, còn chưa phân quyền cho cơ quan cấp dưới, trên cơ sở quy định nguyên tắc chỉ giao một cơ quan giải quyết vấn đề, vụ việc, tức là sẽ chỉ thực hiện quản lý theo lãnh thổ, giảm tối đa quản lý theo ngành. Đặc biệt, trong một lĩnh vực sẽ chỉ phân cấp tối đa cho hai cấp hành chính, chứ không phân cấp cho cả cấp xã, huyện, tỉnh như hiện nay. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.Tránh tư tưởng bình quân về bộ máyKhi thẩm tra Dự Luật này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương được quy định rõ hơn. Một số vướng mắc thực tế sẽ được tháo gỡ cho chính quyền địa phương các cấp, góp phần đáp ứng đòi hỏi của thực tế và rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cấp quản lý Nhà nước. Nhưng cũng vẫn còn những băn khoăn về tổ chức bộ máy.Theo quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc rà soát để quy định cơ cấu tổ chức các cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính đáp ứng chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là cần thiết. Nhưng cũng cần bảo đảm sự tương quan, hài hòa và cân đối chung giữa HĐND với UBND - hai thể thống nhất của chính quyền địa phương. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động của quy định.Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Dự Luật cần tránh tư tưởng bình quân, không tính đến đặc điểm của đô thị, nông thôn, hải đảo. Dù hiện nay quy định đô thị loại 1, loại 2 có số lượng lãnh đạo khác nhau, nhưng theo các địa phương phản ánh, vẫn có tư tưởng bình quân trong hướng dẫn về tổ chức bộ máy hành chính. Chính phủ có lẽ nên cân nhắc quy định cụ thể số sở “cứng” (bắt buộc phải thành lập) và số sở “mềm” (có thể thành lập hoặc không) tại Dự Luật này. Việc cần bao nhiêu sở “mềm”, số Phó Giám đốc sở hãy để chính quyền địa phương quyết định, tùy theo quy mô dân số, điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội... Đồng thời, chỉ nên đưa vào Dự Luật quy định về những vấn đề đã rõ, đã chín, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau nên tiếp tục nghiên cứu kỹ càng hơn.