Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật để phát huy vai trò xung kích của thanh niên

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, Luật Thanh niên được ban hành nhằm quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển thanh niên. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành, Luật đã bộc lộ những hạn chế cần chỉnh sửa để phát huy nguồn lực thanh niên trong đời sống xã hội.

Thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn điều tiết giao thông tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Sửa luật là cần thiết
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước; bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp.

Theo Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên T.Ư Nguyễn Thanh Hảo, một số quy định thuộc trách nhiệm của các bộ quy định trong Luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể, như việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, trong hôn nhân và gia đình. Một chính sách cũng triển khai chậm như đối với thanh niên xung phong ban hành năm 2011, sau 5 năm thực hiện Luật; chính sách đối với thanh niên tình nguyện ban hành năm 2015, sau 9 năm thực hiện Luật; việc xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, sau 12 năm mới sửa đổi, bổ sung. Chưa có chính sách đối với một số đối tượng thanh niên đặc thù, như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cải tạo, sau cai nghiện; một số lĩnh vực cụ thể đối với thanh niên mặc dù đã ban hành chính sách nhưng còn ít và hiệu quả chưa cao.

Các ý kiến khác cũng nhận định, một số quy định của Luật hiện này chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và khó áp dụng. Cụ thể, thiếu cơ chế điều phối trong thực hiện chính sách quy định, chưa có sự gắn kết hữu cơ giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách. Cơ chế tạo điều kiện khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn nhiều hạn chế... Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết.

Rõ hơn cơ chế thực thi

Theo nguyên Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và phù hợp với sự phát triển của thanh niên, khi sửa đổi luật, cần có điều quy định về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên; rõ về nguồn lực, kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên; quy định về Tháng thanh niên. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong thực tiễn hiện nay.

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ pháp luật về thanh niên của một số quốc gia, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Dũng (Viện Nghiên cứu thanh niên) cho rằng, cân nhắc sửa đổi Luật theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên. Kinh nghiệm các nước cho thấy, Luật Thanh niên không chỉ đơn thuần là tuyên ngôn về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, còn quy định thêm một bước là khung pháp lý cho toàn bộ công tác thanh niên với mục tiêu phát triển, bảo vệ thanh niên. Đồng thời, nên xây dựng một cơ chế thực thi cụ thể trong Luật theo hướng xác định rõ thiết chế, nguồn lực và các biện pháp bảo đảm thực hiện…

Một số ý kiến cũng chỉ ra, hiện hầu hết chính sách dành cho thanh niên đã được quy định tại các văn bản chuyên ngành như Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động; Luật Việc làm; Luật Khám, chữa bệnh… Do đó, việc sửa đổi các quy định về chính sách với thanh niên nên bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo với các chính sách đã được quy định trong các luật khác. Cùng với đó, bảo đảm tính đặc thù, dành riêng cho thanh niên, đáp ứng nhu cầu phát triển của thanh niên hiện nay; bảo đảm tính khả thi, cụ thể để có thể đưa vào cuộc sống.