Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa luật để tăng tính chủ động cho địa phương

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 3 năm triển khai Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nảy sinh những bất cập, không theo kịp yêu cầu. Trước thực tế này, Chính phủ đã dự thảo Dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại Phiên họp chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai Dự án Luật trên với đa số ý kiến đều nhất trí với việc sửa đổi để tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình. Ảnh: Trọng Đức
Cần thiết sửa đổi
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc xây dựng và ban hành Dự Luật này là cần thiết, vì qua gần 3 năm triển khai, một số quy định hiện hành của 2 Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể như, đối với Luật Tổ chức Chính phủ, việc giao Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm giảm tính chủ động của địa phương trong việc tổ chức và thành lập các cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm đặc thù ở mỗi địa phương. Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định của Luật về phân định thẩm quyền, phân quyền, ủy quyền cũng chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp…
Sau 10 năm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường, chúng ta đã khôi phục lại, vì thấy việc đó chưa ổn. Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn đề nêu trên để vừa phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị và T.Ư, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Dự Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các thành viên UBTV Quốc hội đều tán thành việc xây dựng Dự Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, việc sửa đổi tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính Nhà nước.

Tuy nhiên, qua rà soát, các ý kiến cũng đề nghị, cần điều chỉnh hợp lý chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; tiến hành rà soát, chuyển một số nhiệm vụ mà các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, DN đảm nhận; xã hội hóa dịch vụ công, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, có quy định về Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính…

Liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị Dự Luật cần có những quy định mang tính linh hoạt hơn, để trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể cho phép áp dụng thí điểm mô hình chính quyền địa phương phù hợp ở từng loại đơn vị hành chính.

Tập trung vào phân cấp, phân quyền

Về vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương, các ý kiến cho rằng, cùng với sửa đổi, bổ sung các điều khoản về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cấp chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần rà soát các luật chuyên ngành có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. “Cũng cần nghiên cứu thêm vấn đề giao chỉ tiêu biên chế phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên (loại đơn vị hành chính) cho từng địa phương khi phân quyền, phân cấp. Có nghĩa là sẽ giao cho địa phương nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn nhưng phải bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Vì vậy, nhiều địa phương cho rằng được phân quyền, phân cấp là giao thêm việc nhưng lại không được giao biên chế thì sẽ không có cơ sở để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn” – Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND, Dự Luật quy định giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người; tăng số Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người. Trong đó, việc giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện còn có hai loại ý kiến khác nhau nên Chính phủ xin ý kiến của UBTV Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Phan Thanh Bình, cần phải nhìn lại toàn bộ mô hình quản lý Nhà nước khi thực hiện quy định mới. Quan trọng nhất không phải là giảm được bao nhiêu biên chế, mà là hiệu quả quản lý Nhà nước phải tốt hơn. Với cơ cấu như hiện nay HĐND đã làm không xuể, nay giảm nữa là không hợp lý.