Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Thủ đô:Hoàn thiện quy định thúc đẩy liên kết, phát triển Vùng Thủ đô

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến vấn đề liên kết, phát triển Vùng Thủ đô đã nhận được sự quan tâm, nhiều văn bản đóng góp ý kiến. Báo Kinh tế & Đô thị trích ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý Dự thảo luật về nội dung này.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến vấn đề liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước
Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến vấn đề liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước

PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội:

Vùng Thủ đô cần là sự phát triển bền vững của cả khu vực quanh Thủ đô

Quy định về khái niệm Vùng Thủ đô cần phải tính đến không chỉ là mục tiêu phát triển của Thủ đô mà cần phải tính đến nhiều yếu tố khác, thứ nhất, Vùng Thủ đô phải nhằm mục đích không chỉ phục vụ sự phát triển của Thủ đô mà phải là sự phát triển bền vững của cả khu vực xung quanh Thủ đô.

Thứ hai, quy định rõ về mục đích thiết lập Vùng Thủ đô phải có nội dung phù hợp để khuyến khích và thu hút được sự phối hợp chủ động của các tỉnh ở thành phố trực thuộc Trung ương xung quanh Thủ đô để họ nhận thấy rằng việc tham gia phối hợp để thúc đẩy kinh tế xã hội của Vùng Thủ đô là lợi ích của bản thân mỗi địa phương chứ không phải chỉ vì sự phát triển của Thủ đô.

Dự thảo hiện tại cũng đã có quy định về trách nhiệm liên kết các địa phương trong Vùng Thủ đô vì sự phát triển của vùng. Tuy nhiên vẫn chưa tạo ra được cơ sở đủ để thúc đẩy sự chủ động phối hợp của các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới chỉ có một khoản nêu định nghĩa về Vùng Thủ đô quy định Vùng Thủ đô gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình. Quy định này mang tính liệt kê và do đó chưa nêu bật được khái niệm về Vùng Thủ đô, mục đích thành lập Vùng Thủ đô, chức năng của Vùng Thủ đô. Quy định này cũng không đủ để tạo ra động lực thúc đẩy phối hợp vùng giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Vùng Thủ đô là một khu vực địa lí bao gồm Hà Nội và một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xung quanh Hà Nội được thiết lập nhằm mục đích sự phát triển kinh tế, xã hội của các vùng và từng địa phương trên cơ sở lợi thế riêng biệt của Hà Nội và các tỉnh thành phố lân cận.

Quy định về hội đồng điều phối Vùng Thủ đô trong Dự thảo luật có thể được hoàn thiện để phục vụ phát triển Vùng Thủ đô, bao gồm Ban chỉ đạo xây dựng phát triển Vùng Thủ đô và ban điều phối liên kết phát triển Vùng Thủ đô. Chức năng của Ban chỉ đạo chỉ đạo công tác xây dựng thực hiện quy hoạch phát triển chính sách hỗ trợ phát triển, công tác phối hợp liên kết giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô để phục vụ sự phát triển bền vững của toàn vùng. Chức năng của Ban điều phối Vùng Thủ đô là tham mưu kế hoạch quy hoạch chính sách phục vụ sự phát triển của Vùng Thủ đô, tổ chức các hoạt động điều phối nguồn lực và liên kết giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô phục vụ sự phát triển bền vững của Vùng Thủ đô.

PGS-TS Hoàng Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội:

Phân quyền cho Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài

Cần quy định phân quyền cho UBND TP Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới; kết nối không chỉ các đô thị trong Vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, Thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Á và thế giới.

Ngoài ra, việc phát triển và quản lý Thủ đô theo định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn với cơ chế hợp tác công tư (PPP) hiệu quả và quản lý chuỗi cung ứng đô thị trên cơ sở quy hoạch vùng đô thị nên được gắn kết với nhau khi hoạch định chiến lược phát triển Thủ đô và cần được thể hiện xuyên suốt, mạch lạc trong các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi). Có thể coi đây là một vòng tròn với nhiều “mắt xích” kết nối với nhau mà bất kỳ “mắt xích” nào bị lỗi thì đều có thể làm cho “vòng quay” phát triển của Thủ đô bị trục trặc.

Hiện nay, TOD là hướng đi mới được nhiều quốc gia lựa chọn để thiết kế quy hoạch đô thị. Chính vì vậy, Luật Thủ đô cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể gắn kết giữa quy hoạch Vùng Thủ đô và vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế, cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị nhằm giải bài toán về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng cuộc sống... ở các đô thị lớn hiện nay, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

PGS-TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương:

Xây dựng cơ chế đặc thù cho các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển Vùng Thủ đô

Chúng ta cần xác định rõ mối quan hệ giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố của cả nước, nhất là đối với Vùng Thủ đô. Thực tiễn hiện nay chưa có cơ chế liên kết, quản lý và phát triển mối quan hệ này. Vai trò, cơ chế, trách nhiệm của Thủ đô đối với Vùng Thủ đô nói chung và các tỉnh, thành phố khác nằm trong Vùng Thủ đô cần phải được làm rõ trong Luật Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển Vùng Thủ đô như giao thông liên vùng, đô thị xanh, đô thị tuần hoàn, đô thị số, đô thị thông minh...

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô và Vùng Thủ đô được tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng công suất của nhà ga Nội Bài và các tuyến đường vành đai từ Hà Nội đi các thành phố/tỉnh vệ tinh như Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên...